Trang chủ / Báo chí / Đón chờ những thông tin hấp dẫn từ workshop: “Cách mạng 4.0 – Cơ hội nào cho Startup?”

Đón chờ những thông tin hấp dẫn từ workshop: “Cách mạng 4.0 – Cơ hội nào cho Startup?”

05/08/2017

14h chiều nay, chương trình workshop: “Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội nào cho Startup?” diễn ra tại BKHUP Co-Working Space - tầng 3, tòa nhà A17 - 17 Tạ Quang Bửu - Bách khoa - Hà Nội.

Workshop có diễn giả chính: Ông Nguyễn Hữu Thái Hoà – Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Chiến lược Tập đoàn VNPT, dưới sự điều hành chương trình: Lê Công Thành – Trưởng nhóm Giải Nhất Nhân tài đất Việt 2016.

Theo ông Nguyễn Hữu Thái Hoà, khởi nghiệp hiện đang là chủ đề được quan tâm, nhất là trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu hội nhập quốc tế sâu rộng hơn thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Hiệp định tự do thương mại (FTA) thế hệ mới… Giấc mơ ‘quốc gia khởi nghiệp’ (Start-up Nation) sẽ không còn xa một khi cả hệ thống chính trị-kinh tế vào cuộc. Tuy nhiên, hiện các dự án khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn còn chung chung, mơ hồ, chưa đi vào bản chất của khởi nghiệp nên vẫn chưa thể khởi sắc. Trong điều kiện, hoàn cảnh hiện tại, có lẽ chỉ nên đầu tư tập trung cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, nước ta mới hy vọng tăng tốc để phát triển đất nước – đây là con đường duy nhất để chúng ta sớm đạt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tương lai không xa.

Để các dự án khởi nghiệp được triển khai thành công, việc đầu tiên đó chính là tạo dựng môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được sinh ra và phát triển, hay nói một cách khác là xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Cấu thành của một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo gồm một số thành phần cơ bản.

Thứ nhất là Nhà nước. Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc ban hành cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để xây dựng thành công Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Cụ thể, Nhà nước ban hành cơ chế tạo lập và bảo hộ tài sản trí tuệ của mọi tổ chức, cá nhân, quy định phương thức chuyển giao công nghệ, chuyển giao quyền sở hữu tài sản trí tuệ, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, khuyến khích đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, cho phép thành lập và tạo cơ chế vận hành các loại hình Quỹ đầu tư mạo hiểm, kể cả của Nhà nước (giai đoạn đầu) và tư nhân, các loại hình tổ chức dịch vụ trong thị trường công nghệ. Các Quỹ đầu tư sẽ là nơi cung cấp các vốn mồi cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Song hành với việc cho phép thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, Nhà nước cần đi trước một bước “để làm gương” cho các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước trong lĩnh vực này. Nếu Nhà nước “không dám đầu tư mạo hiểm” thì sẽ tạo ra tâm lý e ngại cho các thành phần kinh tế khác cũng không dám đầu tư.

Đã đến lúc chúng ta cần quyết liệt thực hiện những cơ chế, chính sách phù hợp để sớm đạt mục tiêu đưa đất nước trở thành quốc gia khởi nghiệp.Chiến lược đó cần tập trung vào năng lực cạnh tranh quốc gia với chiến luợc phát triển 6 mũi nhọn cơ bản nhất trong 20 năm tới là Công nghệ thông tin, Nông nghiệp, Du lịch thông minh, Công nghiệp phụ trợ, Dịch vụ – phân phối và Giáo dục đào tạo của Việt Nam. Đánh giá tăng trưởng bằng thước đo chứ không phải bằng báo cáo, phải làm rõ tỷ trọng đóng góp vào GDP quốc gia.

Ưu tiên là hoạt động đầu tư mạo hiểm (đầu tư cho các ý tưởng sáng tạo với tư duy chấp nhận rủi ro ‘venture capital’) nhằm phát triển kinh tế-xã hội.

Thứ hai là các nhóm “start up”. Đây chính là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Họ xây dựng doanh nghiệp từ chính những ý tưởng kinh doanh, ý tưởng sáng tạo của mình. Khi được đầu tư, các doanh nghiệp này sẽ có nguồn lực biến những ý tưởng của mình thành hiện thực. Tất nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đều thành công, thậm chí tỷ lệ thành công rất thấp, nhưng một khi đã thành công họ sẽ tạo ra giá trị gia tăng vượt bậc cho nền kinh tế.

Thứ ba là các nhà đầu tư. Có hai hình thức đầu tư. Một là, các nhà đầu tư thiên thần, là những nhà đầu tư tự nguyện, họ chấp nhận rủi ro. Nếu thành công thì cùng nhau chia sẻ lợi nhuận, còn nếu thất bại thì sẽ chấp nhận cùng chịu rủi ro. Hai là, các nhà đầu tư thông qua các quỹ đầu tư hay các tổ chức tài chính. Các quỹ sẽ thay mặt nhà đầu tư quản lý nguồn vốn, sử dụng đội ngũ tư vấn pháp lý và tư vấn kinh doanh, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư và cùng chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro.

Cuối cùng là các Vườn ươm khởi nghiệp sáng tạo. Đây được hiểu là nơi tạo ra các dịch vụ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong quá trình hoạt động. Các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp là nơi liên kết các nhà đầu tư với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Họ là một tổ chức trung gian độc lập nhằm tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp về ý tưởng kinh doanh, tìm kiếm các nhà đầu tư, các vấn đề liên quan đến pháp lý, sở hữu trí tuệ…

Trong workshop: “Cách mạng 4.0 – Cơ hội nào cho Startup?” diễn ra vào chiều nay, các diễn giả sẽ cùng chia sẻ cởi mở những quan điểm làm thế nào để thành công khi khởi nghiệp, đặc biệt là trước xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 đang có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ hiện nay.

Hãy chờ đợi những chia sẻ hữu ích từ các vị khách mời của Workshop: “Cách mạng 4.0 – Cơ hội nào cho Startup?” diễn ra vào 14h chiều nay!

Workshop: “Cách mạng 4.0 – Cơ hội nào cho Startup?” nằm trong chuỗi chương trình giao lưu với cộng đồng khởi nghiệp tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017, với sự tham dự của các diễn giả nổi tiếng, có uy tín trong và ngoài nước về các chủ đề thiết thực.

Năm 2017, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt chính thức mở ra hệ thống giải thưởng “Công nghệ thông tin Khởi nghiệp”. Ban tổ chức mong muốn Nhân tài Đất Việt sẽ thu hút được sự quan tâm và tham gia tích cực của cộng đồng khởi nghiệp, đóng góp những sản phẩm công nghệ thông tin có chất lượng cao cho Giải thưởng.

Báo điện tử VnMedia