Trang chủ / Tin tức - Sự kiện / Giải Nhì Khởi nghiệp Nhân tài Đất Việt 2017: Giải thưởng đã giúp Rada có bước phát triển mới!

Giải Nhì Khởi nghiệp Nhân tài Đất Việt 2017: Giải thưởng đã giúp Rada có bước phát triển mới!

27/09/2018

Theo anh Mã Hoàng Hải - CEO Công ty Cổ phần Rada, đạt giải Nhân tài Đất Việt năm 2017 là một cơ hội giúp Rada có thể “ngồi” trao đổi với những tập đoàn số một Việt Nam để cùng hợp tác, phát triển.

Nói tới khởi nghiệp là nghĩ tới những bạn trẻ, sinh viên vừa ra trường, còn nhóm Rada lại Khởi nghiệp khi không còn là “người trẻ”…

Nhóm Rada hầu hết là những anh em đã có nhiều năm kinh nghiệm, cũng đã từng làm cho các doanh nghiệp khác nữa. Tuy nhiên, chúng tôi lại cùng nhau khởi nghiệp với Rada. Nói chính xác thì đó là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó, mong muốn của chúng tôi trước hết là sẽ tìm ra một phương thức, cách thức, một con đường mới, tạo ra mô hình kinh doanh mới. Đây chính là giá trị khởi nghiệp. Thứ hai, mô hình khởi nghiệp phải có giá trị với cộng đồng, xã hội. Và thứ ba đó là phải tác động đến mọi người.

Với những yếu tố trên, có thể nói khởi nghiệp sáng tạo không phân biệt tuổi tác. Kinh nghiệm của các thành viên trong nhóm vốn đã lăn lộn cuộc sống và đã “chinh chiến” ở nhiều mảng còn giúp cho việc khởi nghiệp tốt hơn, đạt kết quả cao hơn. Đây chính là lý do để nhóm lựa chọn khởi nghiệp với Rada.

Anh Mã Hoàng Hải - CEO Công ty Cổ phần Rada, đạt giải Nhân tài Đất Việt năm 2017
Anh Mã Hoàng Hải – CEO Công ty Cổ phần Rada, đạt giải Nhân tài Đất Việt năm 2017

Mọi người hay nghĩ khởi nghiệp khi trẻ tuổi sẽ có ưu thế. Ở một góc nhìn nào đấy thì đây cũng là suy nghĩ đúng. Nếu nhìn nhận khởi nghiệp ở góc độ ứng dụng nhiều công nghệ mới, hay độ tiếp nhận, nhanh nhạy về sản phẩm với thị trường thì khởi nghiệp do người trẻ làm sẽ đạt kết quả như vậy.

Tuy nhiên, với những người có nhiều kinh nghiệm, khi họ vượt qua được khó khăn ban đầu, sẵn sàng học hỏi, coi những kinh nghiệm quá khứ chỉ là bài học, thì việc khởi nghiệp ở tuổi nào sẽ không có gì đáng quan ngại cả. Thậm,chí, đâu đấy, khi tham gia mới cảm nhận được, khát vọng của một số người đã tham gia một vài doanh nghiệp vẫn tìm kiếm mô hình mới rất nhiều.

Rada đã chứng minh là người dám gạt bỏ quá khứ, đi một con đường khác. Để làm được điều đó, các thành viên đã cùng nhau chia sẻ về tầm nhìn, trước hết là xây dựng một kế hoạch mới, chấp nhận khó khăn. Khó khăn do đặc thù của thị trường là một. Bên cạnh đó còn là tâm lý nội tại, hoàn cảnh của các cá nhân cũng ảnh hưởng câu chuyện đó, và cần phải được chia sẻ với nhau.

Thứ ba là sự kiên trì, kiên trì thuyết phục lẫn nhau, kiên trì thuyết phục thị trường và các đối tác. Những điều tác động tới thị trường mà mọi người nhìn thấy cũng chỉ là bề nổi thôi, ẩn sau đó là những nỗ lực rất lớn của cả nhóm. Phải cùng nhau xác định và chấp nhận chuyển đổi cả hệ sinh thái cần có sự kiên trì nhất định thì mới làm được.

Anh có thể chia sẻ về những khó khăn của ngày đầu tìm kiếm khách hàng đầu tiên như thế nào?

Con đường đưa một trải nghiệm mới vào cho người dùng không hề dễ dàng. Với chính Rada, ban đầu khi đưa trải nghiệm ra, sự đón nhận của thị trường chưa tích cực, phải có sự điều chỉnh, thay đổi, thuyết phục. Ban đầu là các đối tác nhỏ cùng đồng hành, sau đó là các đối tác lớn dần. Tới thời điểm này, Rada đã được tiếp cận và làm việc với nhiều đối tác số một của thị trường. Đấy là những tín hiệu để Rada có thể tin tưởng rằng con đường mình đi là đúng hướng và có giá trị. Khách hàng chấp nhận với hàng chục ngàn đơn hàng thành công trên hệ thống Rada. Các đối tác đến như các công ty viễn thông, các tập đoàn lớn. Họ cũng đã nhìn ra mô hình như của Rada là mô hình hiệu quả. Tuy nhiên cũng phải thêm một thời gian để biến đổi, thích nghi.

Được ví von như một mô hình Uber, Grap “made in” Việt Nam. Lý do để Rada sớm có ý tưởng này?

Việc Uber hay Grap vào Việt Nam làm công tác vận tải đã đạt được thành công, tuy nhiên, nếu doanh nghiệp Việt giờ khởi nghiệp lại chọn đúng lĩnh vực này thì chắc chắn sẽ khó. Rada nhận thấy, ngoài lĩnh vực vận tải, còn nhiều lĩnh vực có thể triển khai như mô hình đặt khách sạn, nhà nghỉ, mô hình các dịch vụ âm nhạc… Đó là thị trường rất lớn, ở thời điểm đó Việt Nam chưa có. Ngay ở châu Á có một số mô hình đã làm và thành công ở Indonesia, Malayxia. Song ở Việt Nam chưa có mô hình nào. Vậy thì tại sao không tự đón làn sóng đó. Khi đã đi theo đúng “trend” thì chắc chắn sẽ hấp dẫn được người chia sẻ cùng mình tầm nhìn đó và sẽ lớn dần lên theo.

Lựa chọn mô hình mới và đã có những thành công. Vậy thách thức của Rada phải đối mặt ở thời điểm này là gì?

Khi mới sinh ra không thể là một người khổng lồ ngay được. Nhưng qua thời gian, qua sự trưởng thành thì đều có thể lớn lên được, và đó là cơ hội. Thực tế chứng minh cho tới thời điểm này, về mặt định vị, Rada cũng đã là một trong những đại diện của Việt Nam đi theo hướng kinh tế chia sẻ được mọi người biết đến không chỉ ở trong nước mà cả quốc tế. Rada đã đạt được sự định vị ấy. Đó vừa là thách thức cũng vừa là cơ hội. Thách thức ở chỗ hiện giờ Rada là doanh nghiệp đầu tiên và số một, vậy sau số một phải đạt tiếp ở mức nào đây? Không thể mãi như thế này được mà phải chuyển đổi giá trị thực sự về mặt tầm vóc cũng như thị trường.

Thách thức nữa là câu chuyện đối thủ trong nước và nước ngoài. Với đối thủ nước ngoài, chắc chắn trong lĩnh vực này ở Việt Nam Rada là đối thủ trực tiếp. Với đối thủ trong nước, Rada đã nhìn thấy một làn sóng khởi nghiệp tiếp theo ở cả các công ty truyền thống lẫn các startup trẻ tuổi. Các công ty truyền thống ở đây là những tập đoàn, doanh nghiệp lớn, họ nhận ra một điều, nếu cứ làm theo truyền thống mà không quan tâm tới các mô hình kinh doanh mới thì sẽ dễ dàng bị xô đổ chỉ trong một thời gian rất ngắn. Điều này khiến doanh nghiệp quyết tâm dịch chuyển. Tuy nhiên, cái cách doanh nghiệp dịch chuyển như thế nào, có thể làm đối tác của Rada hay triển khai một mô hình như Rada… Và đó là những thách thức mà Rada đã nhìn thấy. Rada không có lựa chọn khác mà sẽ vẫn phải dẫn đầu.

Với Rada, sau khi đạt giải Nhân tài Đất Việt năm 2017, sự tác động của Rada đối với thị trường Việt Nam đã rất rõ rệt. Đấy cũng là một cơ hội giúp Rada đã có thể “ngồi” trao đổi với những tập đoàn số một Việt Nam để cùng hợp tác, phát triển. Giải thưởng đã giúp Rada lên một bước phát triển mới. Mặc dù các yếu tốt vốn hóa, doanh thu chưa rõ ràng, song vị thế để Rada có thể trở thành đối tác, làm việc với các doanh nghiệp hàng đầu đã xuất hiện. Một doanh nghiệp với tuổi đời 2 năm, doanh thu và lợi nhuận vẫn còn là một sự nghi ngờ, sự tồn tại và bền vững vẫn còn là câu hỏi mà đã có thể làm việc và trở thành đối tác cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, đó là một thành công.

Mong muốn của Rada là tạo nên một hệ sinh thái, nơi mà các đối tác có thể chia sẻ với nhau, cùng “tác chiến” ở các lĩnh vực là thế mạnh, sau đó tạo nên một hệ sinh thái để vận hành chung. Luật chơi đấy ngay từ đầu được thực hiện với mong muốn không độc quyền ở lĩnh vực nào cả, mà sẽ là hệ sinh thái để các bên cùng hưởng lợi. Với những công ty đa quốc gia khi vào Việt Nam như Uber, Grap, dòng tiền lợi nhuận vào túi họ được nhiên sẽ chảy ra khỏi Việt Nam. Chính sách họ áp dụng đối với các đối tác trong nước rõ ràng là rất khó để tác động. Còn với một doanh nghiệp trong nước như Rada, hoàn toàn có thể thảo luận, đàm phán và có thể cam kết với nhau được. Vậy tại sao với một cơ hội và thị trường như vậy mà không hợp tác với nhau để cùng phát triển. Rada mong muốn được bắt tay hợp tác với các đối tác trên toàn quốc, tận dụng nền tảng Rada như một kênh để hoạt động hiệu quả hơn.

Hiện Rada đã có những đối tác, khách hàng lớn. Những ngày đầu thuyết phục khách hàng, đối tác cùng hợp tác với Rada như thế nào?

Với một startup, vấn đề đặt ra đó là làm thế nào để có được những khách hàng đầu tiên, rồi 100 khách hàng, 1000 khách hàng… Đây là cả một nghệ thuật. Rada là một platform, một nền tảng để phát triển cần có hai nhóm đối tác khác biệt. Một nhóm là khách hàng tiêu dùng sản phẩm, nhóm thứ hai là nhà cung cấp sản phẩm. Hai nhóm này phải lên trên nền tảng và tương tác với nhau. Tương tác đó phải tạo ra giá trị cho cả hai bên, lúc đó mới được coi là một giao dịch và nền tảng mới có được giá trị. Khó khăn ở thời điểm đầu là làm sao tìm được hai nhóm đó và đưa họ lên trên nền tảng. Điều quan trọng nữa là làm thế nào để họ kết nối với nhau. Việc tìm kiếm này ban đầu không hề dễ dàng. Bài toán đầu tiên Rada đưa ra là trải nghiệm cứu hộ xe máy. Với số lượng người sử dụng ô tô và xe máy trên toàn quốc rất lớn, nhận định ban đầu đó là những sự cố xảy ra cần cứu hộ sẽ có.

Đạt giải Nhân tài Đất Việt năm 2017 là một cơ hội giúp Rada có thể “ngồi” trao đổi với những tập đoàn số một Việt Nam để cùng hợp tác, phát triển
Đạt giải Nhân tài Đất Việt năm 2017 là một cơ hội giúp Rada có thể “ngồi” trao đổi với những tập đoàn số một Việt Nam để cùng hợp tác, phát triển

Bên cạnh đó, những điểm sửa chữa cũng rất nhiều. Rada đã thống kê có khoảng 80 ngàn đến 100 ngàn điểm hỗ trợ sửa chữa về xe máy. Thực tế khi thử nghiệm, Rada đã đưa được khoảng 400-500 điểm sửa chữa xe máy ở phía bắc lên. Ở Hà Nội phủ khá dày. Khách hàng rất có nhu cầu, song vấn đề lại ở bên cung cấp dịch vụ lại không sẵn sàng khiến không thành công. Rada đã rút ra bài học sau đó. Phải tìm nhóm khác. Nhóm thứ hai triển khai đó là xử lý các sự cố trong nhà như điều hòa không chạy, tivi bị hỏng…

Điều quan trọng đó là tùy vào mô hình của startup, cần phải xác định được bài toán giải quyết cho khách hàng, chọn đúng tập đặc biệt là thị trường cần mô hình “con gà – quả trứng” thích hợp. Còn khi đã hình thành đúng tập rồi, câu chuyện tiếp theo là phát triển lên như thế nào, vận hành quản trị ra làm sao.

Hiện giờ Rada hoạt động trong những lĩnh vực nào?

Rada hiện giờ hoạt động trong tám lĩnh vực. Là một hệ sinh thái cụ thể, rõ ràng. Việc sử dụng để đặt hàng trên Rada cũng khá dễ dàng, ngoài việc có thể tải, cài áp trên thiết bị di động thì cũng có thể vào website để yêu cầu sử dụng dịch vụ. Bên cạnh đó, hiện nay Rada cũng đang liên kết với một số app khác như Anh mõ – chuyên dành cho việc thanh toán các dịch vụ tại các khu chung cư. Với sự liên kết này, Anh mõ có thể liên kết với Rada để giúp cư dân đăng ký sử dụng các dịch vụ mà Rada hiện đang cung cấp. Với hình thức hợp tác như vậy hứa hẹn khả năng mở ra rất rộng và không hạn chế, các hình thức rất linh hoạt để Rada hợp tác với các đối tác khác để cùng phát triển. Ngoài Anh mõ, Rada đã hợp tác với khoảng 6 app như vậy, mở ra hệ sinh thái app tới app, web tới app, app ngoại lai để làm sao đem lại sự tiện lợi nhất cho khách hàng.

Mục tiêu phát triển trong năm 2018 của Rada?

Năm 2018, Rada đặt mục tiêu đạt hơn 500 ngàn user đăng ký. Về thị trường, sẽ hiện diện tại 10 tỉnh, thành phố. Hiện tại mặc dù đã có mặt trên 5 tỉnh, thành song Rada mới chỉ tự tin về độ phủ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Sẽ triển khai tác hoạt động tiếp thị, marketing, tiếp cận tới khách hàng tốt hơn. Nếu so sánh về chất lượng dịch vụ của Rada so với các đối thủ trên thị trường, thì không hơn, không phải là 5 sao, nhưng chất lượng sẽ được ngày càng nâng lên mục tiêu đó. Hy vọng tiếp tục có thêm những đối tác cùng chia sẻ mục tiêu với Rada và cùng phát triển đi lên.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!

“Được Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng từ năm 2005 và được đồng tổ chức bởi Báo Dân trí cùng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), đến nay Giải thưởng Nhân tài Đất Việt đã bước sang năm thứ 14, trở thành giải thưởng uy tín mang tầm vóc quốc gia. Tổng Công ty Truyền thông VNPT-Media vinh dự là đơn vị bảo trợ truyền thông cho giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018.

Thời gian nhận bài dự thi lĩnh vực CNTT Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018 đến hết ngày 30/9/2018; Công tác chấm giải từ ngày 01/10/2018 đến ngày 15/11/2018; Lễ trao giải sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.

Nơi nhận hồ sơ đăng ký: Báo điện tử VnMedia – Tầng 14 – Tòa nhà VNPT – 57 Huỳnh Thúc Kháng – Hà Nội. Các thông tin về Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2018 sẽ được đăng tải đầy đủ trên website chính thức của Giải thưởng tại địa chỉ: http://nhantaidatviet.vnpt.vn hoặc địa chỉ http://vnmedia.vn và https://dantri.com.vn.”

Theo VnMedia