Trang chủ /Báo chí / Xu thế cách mạng công nghiệp 4.0: Làm thế nào để thành công khi khởi nghiệp?
Xu thế cách mạng công nghiệp 4.0: Làm thế nào để thành công khi khởi nghiệp?
29/08/2017
Đúng 18h00 ngày 28/8/2017 tại UP Bách khoa TP.HCM - số 268 Lý Thường Kiệt - Quận 10 - TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra chương trình workshop: “Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội nào cho Startup?”.
Workshop có sự tham gia của ông Dương Anh Đức – Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông Tp Hồ Chí Minh – thành viên Hội đồng giám khảo lĩnh vực CNTT Giải thưởng Nhân tài Đất Việt; PGS – TS Mai Thanh Phong – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh – thành viên Hội đồng giám khảo lĩnh vực CNTT Giải thưởng Nhân tài Đất Việt; ông Đỗ Vũ Anh – Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT; ông Nguyễn Văn Tấn – Phó Tổng giám đốc VNPT-Media, Phó Trưởng ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017; ông Phạm Tuấn Anh – Phó Tổng biên tập Báo Dân trí, Phó trưởng ban tổ chức Giải thưởng; cùng các diễn giả chính: ông Nguyễn Hữu Thái Hoà – Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Chiến lược Tập đoàn VNPT; ông Phạm Trần Anh – Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp và đối tác chiến lược Microsoft Việt Nam dưới sự điều hành chương trình: Lê Công Thành – Trưởng nhóm Giải Nhất Nhân tài đất Việt 2016.
Trong hơn ba tiếng đồng hồ, các đại biểu tham dự sẽ có những chia sẻ cởi mở những quan điểm làm thế nào để thành công khi khởi nghiệp, đặc biệt là trước xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 đang có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ hiện nay?
Xu hướng khởi nghiệp là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển các sản phẩm công nghệ sáng tạo đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội. Tại Việt Nam, đã có rất nhiều các start-up, công ty trẻ được ra đời từ phong trào khởi nghiệp này. Số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy hằng năm có hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời tại Việt Nam. Những doanh nghiệp khởi nghiệp này đã tạo ra một động lực, sức sống mới trong sự phát triển của nền kinh tế.
Nằm trong chuỗi chương trình giao lưu với cộng đồng khởi nghiệp, sau Hà Nội, workshop: “Cách mạng công nghiệp 4.0 – Cơ hội nào cho Startup?” được Ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt lựa chọn điểm tới tiếp theo là TP.HCM – địa phương được đánh giá đi đầu trong cả nước về phong trào khởi nghiệp. Các mô hình khởi nghiệp, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đang diễn ra rất phong phú dưới nhiều hình thức, thu hút được sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là sự tham gia của các thanh niên, sinh viên tạo thành phong trào khởi nghiệp. Thông qua các Trung tâm Ươm tạo của TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ và phát triển nhiều công ty khởi nghiệp đi vào hoạt động. Nhiều nhóm sinh viên, doanh nghiệp đã trưởng thành và thương mại hóa các sản phẩm từ các hoạt động ươm tạo tại vườn ươm thuộc Khu công nghệ phần mềm – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Vườn ươm Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh…
Có lẽ vì sự phát triển như “vũ bão” của phong trào startup ở TPHCM mà có những bạn trẻ không ngần ngại đặt ra câu hỏi: “Có nên bỏ đại học để đi làm startup?” đối với PGS.TS Mai Thanh Phong – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh. Chia sẻ quan điểm của mình, PGS.TS Mai Thanh Phong cho rằng, “có nhiều bạn trẻ cũng từng hỏi tôi như vậy. Nhiều bạn cũng dẫn chứng là nhiều người không cần học đại học nhưng khởi nghiệp rất thành công, thậm chí còn trở thành tỷ phú… Tôi cũng chỉ biết khuyên các bạn là hãy nhìn lại xem có bao nhiêu người thành công từ việc bỏ học ra ngoài làm startup. Việc học là cả đời, bạn có thể lựa chọn học ở trên giảng đường hoặc đi thẳng vào thực tế để tiếp nhận kiến thức”.
Cũng theo PGS.TS Mai Thanh Phong, nếu bạn đánh giá dự án của mình là khả thi và thành công nhưng lại không thể vừa học vừa làm dự án thì lúc đó bạn phải lựa chọn. Bạn có thể bỏ học để tập trung toàn bộ thời gian cho dự án này và lúc đó bạn phải tự chịu trách nhiệm với bản thân mình. Con đường startup không phải là màu hồng mà nó rất khó khăn và gian nan.
Đồng quan điểm, ông Dương Anh Đức – Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông Tp Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Chúng ta cần phải rất tỉnh táo khi lựa chọn. Quan điểm của tôi không phải bạn thất bại một lần mà nản chí bởi làm startup có khi thất bài nhiều lần rồi mới đến được với thành công. Ở đây chúng ta cần phải loại bỏ tư duy làm startup phong trào bởi điều đó là rất nguy hiểm.
Còn theo theo ông Phạm Trần Anh – Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp và đối tác chiến lược Microsoft Việt Nam, công nghệ đã, đang và chắc chắn sẽ là một trong những lĩnh vực vô cùng quan trọng, góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế toàn cầu cũng như tại chính thị trường Việt Nam. Việc phát triển công nghiệp sáng tạo đang là tất yếu cho sự đổi mới không ngừng của cuộc sống và xu hướng liên tục phát triển của thế giới hiện nay. Người Việt Nam thông minh và rất giỏi khoa học tự nhiên, điều này đã được chứng minh qua rất nhiều các kỳ thi lớn trên các đấu trường quốc tế uy tín. Chính phủ và các ban ngành hiện nay đã và đang có rất nhiều các hoạt động hỗ trợ nhằm chuyển đổi môi trường, khuyến khích tạo dựng thành công Công Nghệ sáng tạo tại Việt Nam. Do vậy, các bạn trẻ có thể tận dụng cơ hội này, mạnh dạn hơn trong việc triển khai các dự án của mình.
Không chỉ dừng trong việc chỉ áp dụng Công nghệ cho các lĩnh vực hiện đại, hãy nhìn xa hơn, khái quát hơn vào các ngành truyền thống như nông nghiệp, lâm nghiệp, khai thác, y tế và chăm sóc sức khỏe… Đây là những thị trường ngách đang bỏ ngỏ và có rất nhiều cơ hội để có thể thành công. Ví dụ tiêu biểu là tại Tasmania, nông dân thu hoạch Hàu đã tiết kiệm được chi phí khi sử dụng thiết bị cảm biến thời tiết IoT. Những vụ thu hoạch và chăn nuôi nhờ dự báo khí tượng chuẩn xác đã giúp họ tránh được những tổn thất do bão, do thay đổi khí hậu với con số lên đến hàng triệu đô la Úc trong mỗi vụ. Hơn 50 quốc gia trên thế giới người dân đang được cung cấp hồ sơ sức khỏe kết nối tự động với thiết bị đo (e.g., Apple Watch), thiết bị y tế cá nhân (máy đo huyết áp, đo lượng đường trong máu), kèm hệ thống quản lý bệnh viện hoặc phòng khám để người dân có thể theo dõi sức khỏe cá nhân và các cơ sở y tế có thể theo dõi sức khỏe cộng đồng…
Được biết, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt đã bước vào năm thứ 13, trở thành Giải thưởng lớn nhất, có uy tín nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam hiện nay. Với vai trò là đơn vị đồng tổ chức, nhà tài trợ chính của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt trong suốt 12 năm qua, Tập đoàn VNPT tự hào là bệ phóng cho những tài năng Nhân tài Đất Việt, trong đó có nhiều thí sinh là các start-up, đến từ các doanh nghiệp khởi nghiệp.
TP. Hồ Chí Minh cũng là địa phương luôn có số lượng thí sinh tham gia đông đảo. Nhiều thí sinh Nhân tài Đất Việt đến từ TP Hồ Chí Minh đã giành giải cao như: Sản phẩm “Chip vi điều khiển 8-bit thương mại của Việt Nam SG8V1” của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC) – Đại học Quốc gia TPHCM đã đạt Giải Nhất của Hệ thống các Sản phẩm Công nghệ thông tin Thành công năm 2014; Năm 2015, sản phẩm Busmap – Xe buýt thành phố, của tác giả Lê Yên Thanh, Phạm Việt Khôi, Nguyễn Hải Đăng, Tô Hữu Quân, Phạm Minh Thái, Phạm Nguyễn Sơn Tùng, Trần Minh Triết đến từ TP. Hồ Chí Minh đã giành giải Nhì lĩnh vực Ứng dụng trên thiết bị di động…
Phát biểu tại workshop, đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT tin tưởng, với những thành tựu mà các thí sinh Thành phố Hồ Chí Minh đạt được, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2017 sẽ tiếp tục vinh danh thêm nhiều đại diện tiêu biểu nữa. “Với vai trò là Tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực viễn thông, để bắt kịp xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, VNPT đang không ngừng phát triển các sản phẩm dịch vụ dựa trên các công nghệ mới với hạ tầng thông minh, kết nối thông minh và dịch vụ thông minh. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những thành tựu này với các startup, doanh nghiệp khởi nghiệp đang trên còn đường phát triển phía trước. Đặc biệt là những startup, doanh nghiệp khởi nghiệp đã, đang và sẽ tham gia Giải thưởng Nhân tài Đất Việt của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và của Việt Nam nói chung” – đại diện Tập đoàn VNPT cho hay.
Cùng quan điểm đó, phát biểu tại workshop, ông Phạm Tuấn Anh – Phó Tổng biên tập Báo Dân trí cho biết, trong 12 năm qua đã phát hiện và tôn vinh hàng trăm nhân tài trong các lĩnh vực: Công nghệ Thông tin, Khoa học ứng dụng, Y dược, Môi trường. Suốt chặng đường hơn 1 thập kỷ của giải thưởng, có rất nhiều bạn trẻ đã tham gia dự thi, với hàng ngàn sản phẩm, ý tưởng khác nhau. Không sản phẩm nào giống sản phẩm nào nhưng tất cả đều mang một điểm chung, đó là hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn, xã hội tốt đẹp, văn minh hơn. Dù đoạt giải cao hay thấp, hoặc thậm chí không đoạt giải, mỗi người đều rút ra được những bài học, và nhận được sự hỗ trợ từ ban tổ chức, hội đồng giám khảo, cũng như cộng đồng thí sinh Nhân tài đất Việt, để từ đó mỗi người có hướng đi riêng.
Có những sản phẩm, giải pháp đã được ứng dụng rộng rãi trên cả nước, giúp giải quyết những vấn đề cụ thể, làm cho xã hội vận hành hiệu quả hơn, cuộc sống người dân tốt đẹp hơn. Cósản phẩm được đưa ra nước ngoài, thương mại hoá thành công, được nhiều nơi trên giới đón nhận. Có nhiều thí sinh thương mại hoá thành công sản phẩm, cũng có những người tiếp tục theo đuổi việc nghiên cứu, thực hiện những công trình có hàm lượng khoa học cao hơn.
Có thể liệt kê một số sản phẩm đã mang lại doanh thu triệu đô sau khi tham dự Giải thưởng NTĐV như “Giải pháp học trực tuyến và thi trực tuyến của AI Việt Nam ứng dụng cho việc nâng cao chất lượng đào tạo” đã đạt Giải Nhất Giải thưởng NTĐV năm 2007. Sau khi giành giải cao, AI Việt Nam liên tục gặt hái được thành công như đã ký hợp tác với hàng chục đối tác là các Bộ ngành, tập đoàn kinh tế lớn về cung cấp giải pháp đào tạo trực tuyến – khẳng định AI là đơn vị hàng đầu về giải pháp và dịch vụ đào tạo trực tuyến tại Việt Nam.
Không chỉ được ứng dụng thực tế tại Việt Nam, nhiều sản phẩm đạt giải NTĐV còn tìm được chỗ đứng trên thị trường thế giới như ứng dụng quản lý tài chính Money Lover – giải Nhất NTĐV 2014 hạng mục Ứng dụng di động xuất sắc nhất. Đây là ứng dụng giúp các cá nhân, quản lý tài chính cho nhóm và cá nhân. Với công nghệ hiện đại và giao diện người dùng thân thiện, đã có khoảng 1,5 triệu thiết bị cài đặt Money Lover tại 22 quốc gia, hỗ trợ 165 đơn vị tiền tệ. Sản phẩm này cũng đã được vinh danh là Startup đột phá của năm tại lễ trao giải Rice Bowl Startup Awards (RBSA) năm 2016.
Ứng dụng dạy học ngôn ngữ cho trẻ em mang tên Monkey Junior – vừa mới đạt giải Nhất tại cuộc thi Sáng kiến toàn cầu GIST Tech-I 2016; Năm 2014, websosanh.vn chỉ lọt vào top 18 sản phẩm chung khảo của NTĐV. Thế nhưng nhờ biết tận dụng các cơ hội từ “bệ phóng” giải thưởng Nhân tài Đất Việt, sản phẩm đã đạt được những thành công rất ấn tượng. Ngay từ cuối năm 2015, Websosanh.vn đã nhận được sự đầu tư của Yello Shopping Media Group (một công ty thuộc tập đoàn Yello Mobile của Hàn Quốc) với số tiền hàng triệu USD…
Với những thành tựu mà các thí sinh Thành phố Hồ Chí Minh, Ban tổ chức tin tưởng Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2017 sẽ tiếp tục vinh danh thêm nhiều đại diện tiêu biểu nữa. Nhiều startup từ phong trào khởi nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh sẽ thoả sức thể hiện mình với sân chơi Nhân tài Đất Việt 2017 …