Trang chủ / Tin tức - Sự kiện / “Ý nghĩa nhân văn của giải thưởng khoa học là để phục vụ cộng đồng”

“Ý nghĩa nhân văn của giải thưởng khoa học là để phục vụ cộng đồng”

16/11/2016

“Giải thưởng Nhân tài đất Việt chúng tôi có được với công trình của mình không có nghĩa xong, đạt được như vậy rồi để mang ra… đóng khung, treo và ngắm mà để phục vụ cộng đồng” - trước thềm lễ trao giải Nhân tài đất Việt năm 2017, PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.

Ông là một người được vinh danh trong mùa giải Nhân tài đất Việt năm 2010 ở lĩnh vực Y dược với công trình “Kỹ thuật can thiệp động mạch vành bằng ống thông”. 6 năm đã trôi qua, được biết, công trình này hiện đã mang lại giá trị ứng dụng rộng rãi, góp phần cứu sống hàng ngàn bệnh nhân tim mỗi năm?

Đề tài của tôi được trao giải 15 năm sau ngày ca can thiệp động mạch vành đầu tiên được thực hiện năm 1985, đến giờ là thêm được 6 năm sau khi được NTĐV vinh danh, chúng tôi đã tiếp tục phát triển kỹ thuật theo hướng nâng cấp ứng dụng các kỹ thuật mới hơn dựa trên nền tảng kỹ thuật này để nâng trình độ điều trị, can thiệp tim mạch của Việt Nam lên tầm khu vực và thế giới.

Kết quả, Việt Nam hiện đã phát triển được rất nhiều trung tâm lớn về tim mạch cả nước với kỹ thuật can thiệp ở một tầm cao mới tại các bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, Bạch Mai, viện Tim Hà Nội… Thực tế, đã có thêm vài chục trung tâm can thiệp tim mạch ở các tỉnh thành rải khắp chiều dài đất nước từ sau khi chúng tôi đạt giải thưởng đến giờ.

Đề tài của chúng tôi được đánh giá cao tại NTĐV khi đó không phải vì việc phát triển kỹ thuật cao trong y tế mà vì kỹ thuật này có giá trị ứng dụng cao. Vậy nên, sau đó, chúng tôi tập trung phát triển là theo hướng mở rộng ứng dụng để phục vụ rộng rãi trong cộng đồng.

Kỹ thuật này, theo đó đã được chuyển giao tới rất nhiều bệnh viện ở địa phương, để người dân ở vùng sâu vùng xa, người nghèo đều có điều kiện tiếp cận với kỹ thuật điều trị hiệu quả như vậy chứ không chỉ tập trung ở tuyến TƯ. Việc này góp phần giúp giảm quá tải ở tuyến TƯ, giảm chi phí cho người bệnh và gia đình. Và điều quan trọng nhất là nó mang lại sự công bằng cho tiếp cận dịch vụ y tế của người dân.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn hiện là đại biểu Quốc hội của TP.Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn hiện là đại biểu Quốc hội của TP.Hà Nội.

Thời gian qua, ông cũng đã chuyển công tác, từ khoa C4 Viện tim mạch Việt Nam sang làm Viện trưởng Viện tim Hà Nội. Chuyển từ hoạt động chuyên môn sang chủ yếu làm công tác quản lý, ông có nghĩ “dấu ấn” cá nhân gắn với thành công từ kỹ thuật can thiệp động mạch vành sẽ nhạt phai?

Khi tôi sang viện Tim Hà Nội, cơ sở này mới chỉ có những nền tảng sơ đẳng trong can thiệp mạch vành, mọi thứ gần như là con số 0. Tuy nhiên từ 2012 đến giờ, viện Tim Hà Nội đã trở thành một trong những trung tâm hàng đầu cả nước về tim mạch can thiệp cũng như về điều trị các bệnh tim mạch nói chung và có thể nói đã trở thành một bệnh viện hoành chỉnh nhất tại Việt Nam về chẩn đoán, can thiệp, điều trị từ lĩnh vực nội khoa, ngoại khoa, nhi khoa… tới tim mạch chuyển hoá. Viện đã được xếp làm một bệnh viện vệ tinh của bệnh viện Bạch Mai, là tuyến cuối của ngành y tế để phát triển điều trị tim mạch, trong đó có tim mạch can thiệp. Bệnh viện chúng tôi cũng đã giúp đào tạo và hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật tới 20 bệnh viện tuyến tỉnh nữa.

Như vậy, ý nghĩa của công trình khoa học của chúng tôi không chỉ nằm ở giải thường và giải thưởng rõ ràng không phải là một mục tiêu mà là một chiến lược, được công nhận của xã hội, các hội đồng khoa học và báo Dân trí để thành quả khoa học này được lan rộng, phát triển đúng đắn để phục vụ cộng đồng, góp phần thể hiện giá trị nhân văn. Tôi vẫn đang luôn làm đúng việc của mình, hướng đến bệnh nhân vì bệnh lý động mạch vành là bệnh không có khả năng chờ đợi, thời gian chính là tính mạng và khả năng tiếp cận phương thức chữa trị càng tốt thì khả năng sống sót cũng như chất lượng sống của người bệnh sau đó càng tốt hơn.

Việc đạt được giải thưởng NTĐV 6 năm trước với có mang lại ý nghĩa thúc đẩy hành động với nhóm nghiên cứu của ông?

Giải thưởng là sự khẳng định kết quả 15 năm học tập, nghiên cứu, ứng dụng, phát triển kỹ thuật của chúng tôi, mặc dù khá âm thầm nhưng đã được các nhà khoa học và báo Dân trí nhìn nhận, đánh giá công tâm. Điểm quan trọng là sự nhìn nhận, đánh giá này rất thực tế để những kết quả nghiên cứu của chúng tôi thực sự có sức sống hơn, có sức lan tỏa, mang lại hiệu quả kinh tế, nhân văn cho xã hội.

Giải thưởng chúng tôi có được với công trình của mình không có nghĩa xong, đạt được như vậy rồi để mang ra… đóng khung, treo và ngắm mà để phục vụ cộng đồng, được xã hội công nhận. Chúng tôi cũng được đồng nghiệp đánh giá cao.

Được biết trước khi được tôn vinh tại NTĐV, đề tài nghiên cứu của ông và các đồng nghiệp đã nhận được khá nhiều giải thưởng cấp nhà nước khác. Vậy Nhân tài đất Việt đối với ông, có gì khác biệt?

Thực tế Nhân tài đất Việt rất khác biệt, khác biệt với các đề tài nghiên cứu nhà nước. Các giải thưởng nhà nước là sự đánh giá những cụm công trình mang lại sự thay đổi trong một khía cạnh nào đó cho nền y học Việt Nam, ví dụ như thay đổi trong lĩnh vực điều trị bệnh tim mạch. Tôi nghĩ, việc nhận được giải thưởng nhà nước cho đề tài này là sự ghi nhận mang tính chất rất hàn lâm.

Còn giải thưởng NTĐV của báo Dân trí lại mang tính chất rất gần gũi với người dân, đi vào những khía cạnh thực tế của cuộc sống đời thường. Chính vì thế NTĐV có giá trị và cuộc sống riêng của mình, không bị phụ thuộc hoặc bị chồng lấn, lu mờ với các giải thưởng khác. Chính vì thế sau rất nhiều năm hoạt động giải thưởng này vẫn đang được cả xã hội quan tâm. Rất nhiều người vẫn hàng năm chờ đợi ngày 20/11 để xem ai sẽ là người được vinh danh.

Thường xuyên theo dõi giải thưởng Nhân tài đất Việt, cả trước và sau khi được vinh danh tại “sân chơi” trí tuệ này. Ông có thấy những gương mặt được lựa chọn qua mỗi mùa giải thực sự xứng đáng, thuyết phục?

Về lĩnh vực y dược, rất nhiều đồng nghiệp của tôi đã được xướng tên trong các mùa giải, như năm ngoái là PGS.TS Nguyễn Văn Thạch Bệnh viện Việt Đức với đề tài phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm với công trình nghiên cứu phẫu thuật nội soi nhi khoa… Tôi thấy đó đều là những người tạo nên sự thay đổi cho ngành y, ở từng góc cạnh riêng trong chuyên khoa của mỗi người. Những ảnh hưởng ở mỗi góc cạnh khác nhau và đã tạo nên một bức tranh chung rất phong phú, rực rỡ.

Bản thân tôi cũng đã tham gia chấm giải qua một số năm nên tôi có thể nói, việc lựa chọn đề tài để trao giải được thực hiện một cách hết sức công khai, minh bạch, có phản biện rõ ràng giữa các cơ quan khác nhau, tính toán, cân nhắc rất nhiều giữa các tiêu chí, khía cạnh đánh giá về khoa học, về kinh tế, xã hội, tính ứng dụng… Bên cạnh hàm ý về khoa học hàn lâm, ở NTĐV, hàm ý về sức lan tỏa và thực tiễn cuộc sống cũng hết sức quan trọng. Ví dụ, cùng là những nghiên cứu đột phá nhưng một bên chỉ để phục vụ việc điều trị cho một số ít người thôi thì giá trị với xã hội cũng sẽ khác với một nghiên cứu để cứu sống hàng triệu người trong cộng đồng. Giải thưởng đã đặt song song cả 2 tiêu chí, khoa học và thực tế đời sống như thế.

Xin cảm ơn ông!

P.Thảo – Dân Trí