Trang chủ / Tin tức - Sự kiện / 20 sản phẩm xuất sắc lọt vào vòng Chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016

20 sản phẩm xuất sắc lọt vào vòng Chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016

07/11/2016

9h30 sáng nay, 7/11, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016 đã tổ chức công bố danh sách các sản phẩm CNTT lọt vào Chung khảo. Năm nay Hội đồng chấm sơ khảo đã chấm và lựa chọn ra được 20 sản phẩm xuất sắc nhất để tiếp tục tranh tài ở vòng Chung khảo.


Quang cảnh buổi công bố kết quả sơ khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016

Quang cảnh buổi công bố kết quả sơ khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016

Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2016 với chủ đề “Vì chất lượng cuộc sống” đã thu hút sự tham gia của đông đảo thí sinh trong và ngoài nước, với sự nở rộ của các sản phẩm bám sát hơi thở của cuộc sống – các sản phẩm về môi trường, nông nghiệp thông minh, ứng dụng trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng,… Đặc biệt, với chuỗi hoạt động “Đồng hành cùng startup”, Giải thưởng năm nay đã có sự bùng nổ về số lượng sản phẩm và số lượng startup tham gia dự thi với nhiều ý tưởng phong phú, đa dạng và ứng dụng thiết thực. Có thể nói, Nhân tài Đất Việt 2016 là một cuộc đua đầy gay cấn của các startup và sự cạnh tranh mạnh mẽ của các tác giả ở tính ứng dụng cao.

Tại buổi lễ công bố, nhà báo Phạm Huy Hoàn – Tổng biên tập Báo Điện tử Dân trí, Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng NTĐV cho biết: Năm nay tổng số sản phẩm dự thi năm 2016 là 260, tăng đáng kể so với năm 2015. Trong số 260 sản phẩm dự thi có 17 sản phẩm thuộc Hệ thống sản phẩm CNTT thành công; 56 sản phẩm thuộc Hệ thống sản phẩm ứng dụng trên thiết bị di động; 187 sản phẩm thuộc Hệ thống sản phẩm CNTT triển vọng. Trong số này có sản phẩm của thí sinh từ Nhật, NewZealand, Canada.


Nhà báo Phạm Huy Hoàn - Tổng biên tập Báo điện tử Dân trí, Trưởng ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016 phát biểu tại buổi họp báo công bố kết quả sơ khảo.

Nhà báo Phạm Huy Hoàn – Tổng biên tập Báo điện tử Dân trí, Trưởng ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016 phát biểu tại buổi họp báo công bố kết quả sơ khảo.

Thí sinh nhỏ tuổi nhất có sản phẩm tham dự năm nay là Vũ Thành Đạt sinh năm 1998 thuộc nhóm tác giả sản phẩm HACHI – Nông nghiệp thông minh với sản phẩm Hệ thống Sản phẩm CNTT Ứng dụng thiết bị di động.

Thí sinh lớn tuổi nhất là Trần Văn Ý sinh năm 1954 đến từ Hà Nội, thuộc nhóm tác giả sản phẩm “Phần mềm đánh giá thích nghi đất đai hỗ trợ quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp ở quy mô vùng” – dự thi hệ thống sản phẩm CNTT Triển vọng.

Ban Tổ chức Giải thưởng đã thành lập Hội đồng Sơ khảo bao gồm các giáo sư, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực CNTT-TT, trong đó chủ tịch Hội đồng Sơ khảo là ông Nguyễn Long – Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam. Qua việc phân tích, tìm hiểu và đánh giá về hiệu quả của sản phẩm dự thi, ngày 29/10/2016 vừa qua, Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016 trong lĩnh vực CNTT đã hoàn tất giai đoạn chấm thi và chính thức chọn ra những sản phẩm tốt nhất đề cử cho Hội đồng Chung khảo.


TS. Nguyễn Long tại buổi chấm Sơ khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016. Ảnh: Hữu Nghị.

TS. Nguyễn Long tại buổi chấm Sơ khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016. Ảnh: Hữu Nghị.

TS Nguyễn Long – Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo chấm sơ khảo lĩnh vực CNTT chia sẻ: “Năm nay là năm đặc biệt, trong các sản phẩm lọt vào chung khảo có rất nhiều nhóm khởi nghiệp, kể cả những nhóm đã thành danh. Startup đang là xu thế trong xã hội nên đây là một tín hiệu rất tốt cho cộng đồng CNTT Việt Nam”.

Ông Long cho biết trong các nhóm vào chung khảo thì sản phẩm hướng tới cộng đồng rất cao, hướng tới lĩnh vực IoT, nông nghiệp thông minh. Ngoài ra, cũng như các năm trước, giải thưởng năm nay tiếp tục nhận được nhiều sản phẩm hướng tới cộng đồng, như đọc sách cho người khiếm thị… Năm nay, như chúng ta biết Việt Nam gặp nhiều thảm họa về môi trường nên ban tổ chức cũng nhận được khá nhiều sản phẩm hướng tới phục vụ cộng đồng, có thể đưa ra các thông số, phục vụ cho vấn đề giám sát môi trường.

Tuy nhiên, TS Long cho biết điều chưa hài lòng nhất của ông là chất lượng nhóm sản phẩm đã thành công. Năm nay 2 nhóm sản phẩm tiềm năng và di động có thể dự báo được top đầu để vào chung khảo song nhóm đã thành công thì vắng bóng khá nhiều tên tuổi nổi bật.

Cũng theo TS Nguyễn Long, tại buổi bảo vệ Chung khảo mới là thời điểm các nhóm tác giả các sản phẩm cần chứng minh trực tiếp về thành công cũng như triển vọng của sản phẩm của mình. Các nhóm tác giả sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi không dễ vượt qua, bởi đến vòng chung khảo, các thành viên của Hội đồng chấm chung khảo sẽ “xoáy” nhiều vào các điều còn thiếu trong hồ sơ đăng ký tham dự.

“Thí sinh cần tự tin và bình tĩnh trả lời các câu hỏi của Hội đồng chung khảo, không cần trình bày giới thiệu dài dòng về sản phẩm của mình, cần tập trung vào các thế mạnh, tính nổi trội của sản phẩm” – TS Nguyễn Long chia sẻ.

DANH SÁCH 20 SẢN PHẨM XUẤT SẮC LỌT VÀO VÒNG CHUNG KHẢO GIẢI THƯỞNG NTĐV 2016

I. Hệ thống Sản phẩm Công nghệ Thông tin Ứng dụng trên thiết bị di động:

có 07 sản phẩm lọt vào vòng Chung khảo bao gồm:

1. SẢN PHẨM: KHỈ CON TINH NGHỊCH (MONKEY JUNIOR) của nhóm Tác giả: Công ty Cổ phần Early Start:

Là hệ thống dạy học ngoại ngữ cho các bé từ 4 tháng tuổi đến 10 tuổi với kho dữ liệu đa phương tiện bao gồm: hình ảnh, video và âm thanh.

2. SẢN PHẨM: HACHI – NÔNG NGHIỆP THÔNG MINHcủa nhóm Tác giả: Đặng Xuân Trường, Vũ Thành Đạt, Hoàng Thị Yến Mai, Nguyễn Văn Quân, Đặng Văn Hiền, Nguyễn Thị Xuân.

Là hệ thống thủy canh thông minh ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp đô thị. Một trong những giải pháp đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ đèn LED nông nghiệp và điều khiển qua các cảm biến thông minh thông qua smartphone.

3. SẢN PHẨM: MẠNG GIAO THÔNG VẬN TẢI PIISHIPcủa nhóm Tác giả: Công ty TNHH mạng giao thông vận tải Piiship.com

Piiship kết nối mạng lưới hàng nghìn Tài xế với những cá nhân hay doanh nghiệp có nhu cầu chuyển hàng, từ đó cung cấp khả năng vận chuyển nhanh nhất với chi phí thấp nhất.

4. SẢN PHẨM: MOKI – ỨNG DỤNG MUA BÁN TRÊN DI ĐỘNG CHO MẸ VÀ BÉ của nhóm Tác giả: Công ty CP MOKI

là ứng dụng mua bán đồ cũ và mới các mặt hàng cho mẹ và bé trên nền tảng di động với business model.

5. SẢN PHẨM: GIẢI PHÁP THANH TOÁN THẺ TRÊN THIẾT BỊ DI ĐỘNG MOBILEPOS của nhóm Tác giả: Công ty cổ phần công nghệ mPoS Việt Nam

là giải pháp thanh toán thẻ trên di động, có thể cho phép thanh toán được mọi loại thẻ Tín dụng và thẻ ATM của mọi ngân hàng tại Việt Nam.

6. SẢN PHẨM: SÀN GIAO DỊCH THƯƠNG MẠI ĐIÊN TỬ của nhóm Tác giả: Công ty TNHH Microlink Việt Nam

là sàn giao dịch thương mại điện tử dành cho các chủ xe và chủ hàng tìm kiếm, đăng thông tin dịch vụ vận tải và tiến hành quy trình mua bán dịch vụ vận chuyển hàng hóa.

7. SẢN PHẨM: XPEAK – HỌC TIẾNG ANH GIAO TIẾPcủa nhóm Tác giả: Công ty CP Công nghệ giáo dục Thông Minh

Xpeak trang bị cho người học nền tảng cơ bản và vững chắc để có thể nói tiếng Anh đúng chuẩn, từ đó có thể học giao tiếp thành thạo trong thời gian ngắn.

II. Hệ thống Sản phẩm CNTT Thành công

có 03 sản phẩmlọt vào Vòng Chung khảo bao gồm:

1. SẢN PHẨM: QUY TRÌNH XÁC THỰC HÀNG GIẢ của nhóm Tác giả: Trung tâm doanh nghiệp hội nhập và phát triển

Là một giải pháp sáng tạo, kiểm tra sản phẩm bằng thiết bị di động để đọc trực tiếp mã vạch ma trận của Tem mã Qr, mang tính bảo mật tuyệt đối.

2. SẢN PHẨM: HỆ THỐNG MỘT CỬA LIÊN THÔNG (VNPT-IGATE) của nhóm Tác giả: VNPT IGate (Trung tâm Công nghệ Thông tin – VNPT Tiền Giang)

Sản phẩm được xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân tổ chức có nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng tại một địa chỉ truy cập duy nhất. Cung cấp thông tin một cách tự động và trực tuyến về tình trạng giải quyết hồ sơ, cấp phép.

3. SẢN PHẨM: HỆ THỐNG CHĂM SÓC KHÁCH HÀNG – MY VINAPHONE của nhóm Tác giả: Trung tâm Công nghệ thông tin Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT – Net)

Ứng dụng my vinaphone cho phép khách hàng là các thuê bao của Vinaphone dễ dàng theo dõi và quản lý tài khoản, gói cước, dịch vụ.

III. Hệ thống Công nghệ Thông tin Triển vọng:

Có 10 sản phẩmlọt vào Vòng Chung khảo bao gồm:

1. SẢN PHẨM: GIẢI PHÁP KẾT NỐI VÀ ĐIỀU KHIỂN CÁC THIẾT BỊ THÔNG MINH TỪ XA ELINKME của nhóm Tác giả: Công ty TNHH E LINK GATE

Sản phẩm cung cấp khả năng truy cập một thiết bị thông minh với các ưu điểm nổi bật:Đơn giản, Điều khiển thông minh, Khả năng bảo vệ dữ liệu của người sử dụng.

2. SẢN PHẨM: ANTBUDDY – NỀN TẢNG GIAO TIẾP NỘI BỘ VÀ CHĂM SÓC KHÁCH HÀNG ĐA KÊNH của nhóm Tác giả: Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ công nghệ H.T.K-I.N.C

AntBuddy cung cấp các giải pháp truyền thông đám mây toàn diện cho doanh nghiệp, bao gồm các dịch vụ điện thoại, dịch vụ chăm sóc và quản lý thông tin khách hàng.

3. SẢN PHẨM: MÁY ĐỌC SÁCH CHO NGƯỜI KHIẾM THỊ (VREADER) của nhóm Tác giả: Phạm Nguyễn Hải Âu, Đào Minh Tân, Huỳnh Nhật Minh

Sản phẩm hỗ trợ người khiếm thị đọc sách in Tiếng Việt, Tiếng Anh. Người khiếm thị chỉ cần sử dụng các nút bấm vật lý và nghe âm thanh thông báo mà không cần sử dụng giao diện đồ họa.

4. SẢN PHẨM: VIETGLASSES – CÁCH NHÌN THẾ GIỚI CỦA NGƯỜI KHIẾM THỊ của nhóm Tác giả: Nguyễn Đình Luận, Phan Huỳnh Lâm, Nguyễn Trí Hải, Nguyễn Thanh Vinh, Lê Quang Định

VIETGLASSES giúp cho những người khiếm thị có thể “nhìn” và biết được những đồ vật phía trước, có thể hoạt động, sinh hoạt như một người bình thường.

5. SẢN PHẨM: SÀN DU LỊCH TRỰC TUYẾN ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM – TRIPI.VN Của nhóm Tác giả: Công ty cổ phần phát triển công nghệ thương mại du lịch TETTO

Tripi dựa trên nền tảng Data Science tự động gợi ý gói du lịch thông minh trong khoảng thời gian khởi hành khách hàng mong muốn

6. SẢN PHẨM: CHIP NHẬN DẠNG TIẾNG NÓI TIẾNG VIỆT VÀ THIẾT BỊ HỖ TRỢ NGƯỜI KHIẾM THỊ BẰNG TIẾNG NÓI của Tác giả: Nhóm nghiên cứu iHearTech – Trường Đại Học Bách Khoa – Đại Học Quốc Gia TP.Hồ Chí Minh

Là vi mạch tích hợp dùng để nhận dạng tiếng nói tiếng Việt và các ngôn ngữ khác, hỗ trợ đắc lực cho người khiếm thị bằng tiếng nói qua công nghệ tổng hợp tiếng nói.

7. SẢN PHẨM: HỆ THỐNG MẠNG GIÁM SÁT MÔI TRƯỜNG NÔNG NGHIỆP VÀ NGƯ NGHIỆP của nhóm Tác giả: Công ty TNHH Farmtech VietNam

Hệ thống sử dụng các công nghệ kết nối mạng để có thể tổng hợp số liệu từ nhiều điểm tổng hợp số liệu môi trường tốt nhất trước khi gửi kết quả cho người sử dụng.

8. SẢN PHẨM: SÀN GIAO DỊCH HÀNG TIÊU DÙNG NHANH TRỰC TUYẾN của nhóm Tác giả: Công ty Cp dịch vụ Đi Siêu Thị

là hệ thống thương mại điện tử dành riêng cho ngành tiêu dùng nông sản đầu tiên tại Việt Nam hiện nay. Bao gồm hàng trăm chuỗi siêu thị, nhà cung cấp, cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh

9. SẢN PHẨM: GIẢI PHÁP TOÀN DIỆN CHO CAMERA GIÁM SÁT của nhóm Tác giả: Công ty cổ phần VP9 Việt Nam

Đây là sản phẩm của người Việt phục vụ đắc lực cho việc giám sát và đảm bảo an ninh, đảm bảo việc giám sát từ xa nhiều kho bãi, nhà máy, chi nhánh, cửa hàng bán lẻ…

10. SẢN PHẨM: HỆ THỐNG PHÂN TÍCH NGỮ NGHĨA VÀ QUẢN TRỊ TƯƠNG TÁC MẠNG XÃ HỘI SMCC của nhóm Tác giả: Công ty Cổ phần Công Nghệ Chọn lọc Thông tin

Là hệ thống phân tích thống kê thông tin trên mạng xã hội có đầy đủ chức năng của một hệ thống phần mềm dịch vụ SaaS, hệ thống sử dụng các kỹ thuật Deep Learning tiên tiến để xử lý văn bản Tiếng Việt.

Từ ngày 09/11 đến 16/11, Hội đồng Chung khảo sẽ đi khảo sát đánh giá chất lượng và thực tế triển khai hoạt động, tính khả thi của các sản phẩm vào chung khảo để có cái nhìn khách quan và đánh giá xác thực nhất các sản phẩm dự thi. Ngày 17/11, các tác giả, nhóm tác giả vượt qua vòng sơ khảo nội dung CNTT sẽ tập trung tại Hà Nội và thuyết trình, bảo vệ sản phẩm trực tiếp trước Hội đồng Chung khảo.

Ông Tô Mạnh Cường, Phó Tổng giám đốc VNPT, đồng tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt cũng cho biết: “Năm thứ 12 của Nhân tài Đất Việt tập trung vào chủ đề “Vì chất lượng cuộc sống” và cộng đồng startup. VNPT dự định sẽ lựa chọn để trao một giải thưởng startup trong số những sản phẩm tham dự với mong muốn sẽ chung tay để cùng phát triển cộng đồng startup Việt Nam”.

Cũng tại buổi họp báo, Ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016 đã giải đáp thấu đáo những câu hỏi của các cơ quan báo chí về chất lượng sản phẩm, quá trình chấm sơ khảo…

Bên cạnh đó, một số nhóm thí sinh có sản phẩm lọt vào vòng Chung khảo cũng tự tin hỏi kinh nghiệm của TS Nguyễn Long để chuẩn bị tốt cho cuộc tranh tài sắp tới.

Tham dự cùng với Ban tổ chức ở buổi họp báo, GS.TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam đưa ra lời khuyên với những thí sinh tham dự giải thưởng đó là tinh thần bền bỉ, ko nản chí trước những khó khăn. Tất cả các sản phẩm cần sự ứng dụng nên các bạn cần quan tâm đến tính thiết thực của nó. Đối với startup, đây là cơ hội rất tốt để có thể tham gia, trình bày những sản phẩm của mình và quảng bá ra cộng đồng.

Nhóm phóng viên – Dân trí