Trang chủ / Báo chí / Bí quyết giúp startup thành công trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0

Bí quyết giúp startup thành công trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0

05/09/2017

Các start up Việt nên đầu tư vào các khoảng, những vùng thị trường Việt Nam đang có nhu cầu, có thể tiếp cận những lĩnh vực mà Nhà nước, Chính phủ đang quan tâm, ưu tiên phát triển, rồi sau đó mới tính tới việc mở rộng ra khu vực và thế giới.

Trao đổi tại workshop: “Cách mạng công nghiệp 4.0 – Cơ hội nào cho Startup?”, nằm trong chuỗi các chương trình giao lưu, tọa đàm của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2017 diễn ra tại UP Bách khoa TP.HCM mới đây, ông Nguyễn Văn Tấn – Phó Tổng giám đốc VNPT-Media, Phó Trưởng ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 đã chia sẻ về 3 cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) mà nhân loại đã trải qua và cuộc CMCN 4.0 đang đến rất gần.

Theo ông Nguyễn Văn Tấn, cuộc CMCN lần thứ nhất là vào những năm 1784, phát minh máy hơi nước. Đến 1870 là cuộc CMCN lần thứ 2 với động cơ điện. CMCN lần thứ ba là sự phát minh máy tính, internet và các ngành công nghiệp phát triển hơn, tạo ra nền tảng để chúng ta ứng dụng như ngày hôm nay. Đối với CMCN 4.0, xuất phát điểm chính là từ phát biểu của Thủ tướng Đức Angela Merkel tại diễn đàn kinh tế Davos năm 2015.

Với CMCN 4.0, có rất nhiều cách định nghĩa, cách hiểu khác nhau. Nhưng “tựu chung lại, theo tôi, là một nền kinh tế, một nền sản xuất ứng dụng công nghệ số. Tất cả những giải pháp đều đi theo hướng thông minh, sử dụng công nghệ số và tri thức để đưa vào quá trình sản xuất, giúp tăng năng suất lao động lên đột biến”, ông Tấn nhận định. Ví dụ, trong lĩnh vực giao thông có xe tự lái; nông nghiệp có IoT xác định thời điểm cần tưới cây, dùng phân bón…; trong y tế, robot thay người tự điều chỉnh, phân tích, chuẩn đoán bệnh thay con người…

“Để có sự phát triển doanh nghiệp liên quan đến phát triển CMCN 4.0, tôi cho rằng, tri thức là điều quan trọng nhất. Việc thứ hai là phải nghiên cứu trên một nền tảng rất chắc chắn từ những cơ hội thị trường. Các start up thành công không chiếm tỷ trọng cao”, ông Tấn cho biết. Mỗi nhà sản xuất theo hướng ứng dụng KHCN cần nghiên cứu rất kỹ lưỡng về mặt thị trường để đảm bảo sản phẩm có sự khác biệt, áp dụng được tốt trong quá trình phục vụ sự phát triển của kinh tế xã hội, nhu cầu của người tiêu dùng.

Từ những thực tế trên, Phó Trưởng ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 cũng lưu ý các start up: “Chúng ta không nên xem CMCN 4.0 là thứ quá to tát. Các doanh nghiệp nên đi tìm các góc độ tiếp cận của mình, những lát cắt để đem lại sự thành công của mình trên cơ sở ứng dụng KHCN, những vốn tri thức, tài sản tri thức mà doanh nghiệp có cũng như là tìm kiếm cơ hội thị trường để có thể khớp nối và tạo ra sự thành công”.

Ông Nguyễn Văn Tấn - Phó Tổng giám đốc VNPT-Media, Phó Trưởng ban Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 chia sẻ thông tin tại workshop diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh hôm 28/8.
Ông Nguyễn Văn Tấn – Phó Tổng giám đốc VNPT-Media, Phó Trưởng ban Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 chia sẻ thông tin tại workshop diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh hôm 28/8.

Trả lời trực diện về đánh giá việc CMCN 4.0 đang đến, các doanh nghiệp đang có xu thế đón đầu, nhưng lại bất lực trong việc chuẩn bị, ông Nguyễn Văn Tấn cho biết, rõ ràng chúng ta đang đối diện với nền kinh tế toàn cầu hóa và sự xâm nhập không biên giới của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Và đang có một cơ hội cực kỳ tốt cho chúng ta, đó là chúng ta đang toàn cầu hóa cả về mặt kiến thức, cả về mặt tri thức, chúng ta sẽ có thể tìm kiếm bất kỳ thông tin gì chỉ bằng một lần bấm.

Đây là những điều kiện để tiếp cận với nền tri thức của nhân loại, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu hoặc cộng đồng startup tìm cơ hội, tìm thông tin cho mình. Tuy nhiên, mặt trái là phải đối diện với sự cạnh tranh toàn cầu. Đây là một vấn đề nan giải đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

“Tôi cho rằng, cách tiếp cận của chúng ta nên từng bước để đảm bảo phát triển vững chắc và đảm bảo sự hiệu quả của doanh nghiệp. Nên tiếp cận theo logic, những khoảng, những vùng thị trường Việt Nam có nhu cầu và chúng ta có thế mạnh, triển khai tại Việt Nam.

Chúng ta có thể tiếp cận những lĩnh vực mà Nhà nước, Chính phủ đang quan tâm, ưu tiên phát triển, có những nguồn đầu tư cho việc nghiên cứu phát triển ở lĩnh vực đó. Sau đó, khi chúng ta phát triển lớn hơn, chúng ta sẽ vươn ra các nước trong khu vực và trên thế giới. Khi quan sát các doanh nghiệp đã thành công tại Việt Nam đã vươn ra thế giới, và các doanh nghiệp thành công trên thế giới, đa số đều theo nguyên tắc đó”, ông Nguyễn Văn Tấn cho biết thêm.

Trong cuộc CMCN 4.0, công nghệ chính là cốt lõi của mọi chiến lược của mỗi doanh nghiệp. VNPT-Media đề ra chiến lược phát triển xoay quanh 4 giá trị cốt lõi: Con người là chìa khóa, khách hàng là trung tâm, sáng tạo không ngừng, đối tác đáng tin cậy với mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái tích hợp trọn gói các dịch vụ đa phương tiện trên nền tảng công nghệ và Internet lớn nhất Việt Nam, từ đó mang sản phẩm, dịch vụ của đến với thị trường quốc tế… Theo Phó Tổng giám đốc VNPT-Media, các doanh nghiệp sẽ trở nên có tính chuyên môn hóa nếu tận dụng được sức mạnh của công nghệ thông tin để tạo năng lực cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp khác vì ở mọi điểm tiếp xúc với khách hàng, doanh nghiệp đều có dữ liệu và cần xử lý nó.

Nhiều chuyên gia nhận định, CMCN 4.0 đang mở ra cơ hội công bằng cho tất cả, ngay cả các doanh nghiệp vừa, nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp cũng có thể đón được làn sóng nếu có sự chuẩn bị kỹ càng và sẵn sàng đón nhận các cơ hội. Theo các số liệu dự báo, đến năm 2020, toàn thế giới sẽ có 4 tỷ người và 20 tỷ thiết bị kết nối với nhau bằng Internet kết nối vạn vật (IoT). Thị trường này sẽ tạo ra 1,9 nghìn tỷ USD doanh thu, với hơn 25 triệu ứng dụng. Trong khi đó, thị trường trí tuệ nhân tạo sẽ đạt tới 5,05 tỷ USD vào năm 2020. Máy tính đã và đang tham gia vào quá trình quản lý sản xuất, điều hành với tốc độ chưa từng thấy trước đây.

Điều này cho thấy, cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra với tốc độ rất nhanh chóng, tác động đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, phong trào khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp trong lĩnh vực Công nghệ thông tin đang phát triển vô cùng mạnh mẽ tại Việt Nam. Xu hướng khởi nghiệp cũng là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển các sản phẩm công nghệ sáng tạo đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội.

Đã có nhiều bạn trẻ tại Việt Nam tham gia khởi nghiệp, rất nhiều các start-up, công ty trẻ được ra đời từ phong trào này. Số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy hằng năm có hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời tại Việt Nam. Những doanh nghiệp khởi nghiệp đã tạo ra một động lực, sức sống mới trong sự phát triển của nền kinh tế.

Nắm bắt xu thế của cuộc CMCN 4.0 và tinh thần khởi nghiệp quốc gia, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 với chủ đề “Công nghệ sáng tạo, kết nối thông minh”, với kỳ vọng sẽ có nhiều phát hiện mới, sự bùng nổ về công nghệ ở các sản phẩm tham gia dự thi lĩnh vực Công nghệ thông tin cũng như nhiều sáng tạo có giá trị từ các công trình khoa học công nghệ tham gia Giải thưởng.

Giải thưởng Nhân tài đất Việt do Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Báo Dân trí đồng tổ chức. Tập đoàn VNPT cũng đồng thời là Nhà tài trợ chính của Giải thưởng trong suốt 12 năm qua. Giải thưởng đã phát hiện và tôn vinh hàng trăm nhân tài trong các lĩnh vực: Công nghệ Thông tin, Khoa học ứng dụng, Y dược, Môi trường.

Năm 2017, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt có nhiều điểm đổi mới trong lĩnh vực CNTT, đặc biệt là việc chính thức mở ra hệ thống giải thưởng “Công nghệ thông tin Khởi nghiệp”.

Thời gian nhận bài dự thi lĩnh vực CNTT đến hết ngày 30/9/2017; Công tác chấm giải từ ngày 01/10/2017 đến ngày 15/11/2017; Lễ trao giải sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 16/11/2017, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.

Nơi nhận hồ sơ đăng ký: Báo điện tử VnMedia – Tầng 14 – Tòa nhà VNPT – 57 Huỳnh Thúc Kháng – Hà Nội.

Các thông tin về Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2017 sẽ được đăng tải đầy đủ trên website chính thức của Giải thưởng tại địa chỉ: http://nhantaidatviet.vnpt.vn, hoặc địa chỉ http://vnmedia.vn.

PV – VnMedia