Trang chủ / Báo chí / Có nên bỏ học đại học để đi làm Startup?

Có nên bỏ học đại học để đi làm Startup?

29/08/2017

Nằm trong chuỗi các chương trình giao lưu, tọa đàm của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2017, tối 28/8, tại UP Bách khoa TP.HCM đã diễn ra chương trình workshop: “Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội nào cho Startup?”. Workshop nhằm chia sẻ cởi mở những quan điểm làm thế nào để thành công khi khởi nghiệp, nhất là trước xu thế cách mạng công nghiệp 4.0.

Workshop có sự tham gia của ông Dương Anh Đức – Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông Tp Hồ Chí Minh – thành viên Hội đồng giám khảo lĩnh vực CNTT Giải thưởng Nhân tài Đất Việt; PGS – TS Mai Thanh Phong – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa TPHCM, thành viên Hội đồng giám khảo lĩnh vực CNTT Giải thưởng Nhân tài Đất Việt; ông Đỗ Vũ Anh – Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT; ông Nguyễn Văn Tấn – Phó Tổng giám đốc VNPT-Media, Phó Trưởng ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017; ông Phạm Tuấn Anh – Phó Tổng biên tập Báo Dân trí, Phó trưởng ban tổ chức Giải thưởng; cùng các diễn giả chính: ông Nguyễn Hữu Thái Hoà – Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Chiến lược Tập đoàn VNPT; ông Phạm Trần Anh – Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp và đối tác chiến lược Microsoft Việt Nam…

Tạo cơ hội truyền thông rất lớn cho sản phẩm

Tại workshop, Ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt cũng với đại diện của trường ĐH Bách khoa TPHCM đã có một cuộc trao đổi vô cùng thú vị với các startup trẻ. Anh Lê Công Thành, người tham gia điều phối và đối thoại cùng Ban tổ chức là một nhân vật tạo dấu ấn đậm nét ở Giải thưởng Nhân tài Đất Việt (NTĐV) năm 2016 khi nhóm của anh đã đạt Giải Nhất CNTT hệ thống Triển vọng với sản phẩm Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội SMCC.


Lê Công Thành (áo đỏ) - Trưởng nhóm Giải Nhất Nhân tài đất Việt 2016 điều hành chương trình workshop.

Lê Công Thành (áo đỏ) – Trưởng nhóm Giải Nhất Nhân tài đất Việt 2016 điều hành chương trình workshop.

Là người trực tiếp nhận được thụ hưởng từ Giải thưởng NTĐV, anh Lê Công Thành khẳng định: “Sức mạnh truyền thông của Giải thưởng là rất lớn, đây cũng là một trong những yếu tố để tạo tiền đề cho các startup thành công”.

Nhằm để cho các startup trẻ ở TPHCM hiểu rõ hơn về giá trị của Giải thưởng NTĐV, Nhà báo Phạm Tuấn Anh – Phó tổng biên tập báo Điện tử Dân trí, Phó Ban tổ chức Giải thưởng NTĐV 2017 chia sẻ: Trong suốt chặng đường hơn 1 thập kỷ của giải thưởng, có rất nhiều bạn trẻ đã tham gia dự thi, với hàng ngàn sản phẩm, ý tưởng khác nhau. Không sản phẩm nào giống sản phẩm nào nhưng tất cả đều mang một điểm chung, đó là hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn, xã hội tốt đẹp, văn minh hơn.


Nhà báo Phạm Tuấn Anh – Phó tổng biên tập báo Điện tử Dân trí, Phó Ban tổ chức Giải thưởng NTĐV 2017 chia sẻ tại workshop.

Nhà báo Phạm Tuấn Anh – Phó tổng biên tập báo Điện tử Dân trí, Phó Ban tổ chức Giải thưởng NTĐV 2017 chia sẻ tại workshop.

Dù đoạt giải cao hay thấp, hoặc thậm chí không đoạt giải, mỗi người đều rút ra được những bài học, và nhận được sự hỗ trợ từ ban tổ chức, hội đồng giám khảo, cũng như cộng đồng thí sinh Nhân tài đất Việt, để từ đó mỗi người có hướng đi riêng.

Có những sản phẩm, giải pháp đã được ứng dụng rộng rãi trên cả nước, giúp giải quyết những vấn đề cụ thể, làm cho xã hội vận hành hiệu quả hơn, cuộc sống người dân tốt đẹp hơn. Có sản phẩm được đưa ra nước ngoài, thương mại hoá thành công, được nhiều nơi trên giới đón nhận.

Quan trọng hơn là có những sản phẩm mặc dù không được vào sâu Giải thưởng NTĐV nhưng biết tận dụng cơ hội nên giờ đây đã rất thành công.

“Năm 2014, websosanh.vn chỉ lọt vào top 18 sản phẩm chung khảo của NTĐV. Thế nhưng nhờ biết tận dụng các cơ hội từ “bệ phóng” giải thưởng Nhân tài Đất Việt, sản phẩm đã đạt được những thành công rất ấn tượng. Ngay từ cuối năm 2015, Websosanh.vn đã nhận được sự đầu tư của Yello Shopping Media Group (một công ty thuộc tập đoàn Yello Mobile của Hàn Quốc) với số tiền hàng triệu USD”, nhà báo Phạm Tuấn Anh cho biết.

Khá hỏm hỉnh và thực tế, anh Lê Công Thành đặt vấn đề: Với tư cách là cơ quan tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt thì báo điện tử Dân trí có hỗ trợ truyền thông cho các startup hay không?

“Khi các bạn tham gia Giải thưởng NTĐV thì chắc chắn sẽ được hỗ trợ truyền thông rất lớn, không chỉ có báo Dân trí mà còn có rất nhiều cơ quan báo chí khác nhận bảo trợ truyền thông cho Giải thưởng. Đối với báo Dân trí, chúng tôi sẵn sàng cử người khai thác các mặt tích cực, các tính độc đáo của sản phẩm, thậm chí là những thông tin thú vị về cá nhân của bạn… để hoàn thiện những bài viết tốt nhất cung cấp cho người xem” – Nhà báo Phạm Tuấn Anh khẳng định.

Nhà báo Phạm Tuấn Anh cũng đề nghị, mặc dù báo Dân trí luôn chủ động để kết nối với các bạn nhưng chúng tôi cũng mong muốn các bạn cũng mạnh dạn hơn trong việc kết nối với báo.

“Trên thực tế, sự chủ động của các thí sinh trong những năm qua là chưa cao. Do đó, chúng tôi đề nghị các bạn vừa tập trung phát triển sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường nhưng cũng nên quan tâm đến việc truyền thông cho sản phẩm của mình, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ truyền thông cho các bạn” – Nhà báo Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.

Có nên bỏ học đại học để đi làm startup?

Các mô hình khởi nghiệp, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đang diễn ra rất phong phú dưới nhiều hình thức, thu hút được sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là sự tham gia của các thanh niên, sinh viên tạo thành phong trào khởi nghiệp.

Thông qua các Trung tâm Ươm tạo của TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ và phát triển nhiều công ty khởi nghiệp đi vào hoạt động. Nhiều nhóm sinh viên, doanh nghiệp đã trưởng thành và thương mại hóa các sản phẩm từ các hoạt động ươm tạo tại vườn ươm thuộc Khu công nghệ phần mềm – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Vườn ươm Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh…

Có lẽ vì sự phát triển như “vũ bão” của phong trào startup ở TPHCM mà có những bạn trẻ không ngần ngại đặt ra câu hỏi: “Có nên bỏ đại học để đi làm startup?” đối với PGS.TS Mai Thanh Phong – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa TPHCM.


PGS.TS Mai Thanh Phong - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa TPHCM.

PGS.TS Mai Thanh Phong – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa TPHCM.

Khá thú vị với câu hỏi này, PGS.TS Mai Thanh Phong chia sẻ: “Có nhiều bạn trẻ cũng từng hỏi tôi như vậy. Nhiều bạn cũng dẫn chứng là nhiều người không cần học đại học nhưng khởi nghiệp rất thành công, thậm chí còn trở thành tỷ phú… Tôi cũng chỉ biết khuyên các bạn là hãy nhìn lại xem có bao nhiêu người thành công từ việc bỏ học ra ngoài làm startup. Việc học là cả đời, bạn có thể lựa chọn học ở trên giảng đường hoặc đi thẳng vào thực tế để tiếp nhận kiến thức.”

Cũng theo PGS.TS Mai Thanh Phong, nếu bạn đánh giá dự án của mình là khả thi và thành công nhưng lại không thể vừa học vừa làm dự án thì lúc đó bạn phải lựa chọn. Bạn có thể bỏ học để tập trung toàn bộ thời gian cho dự án này và lúc đó bạn phải tự chịu trách nhiệm với bản thân mình. Con đường startup không phải là màu hồng mà nó rất khó khăn và gian nan.

Đồng quan điểm, ông Dương Anh Đức – Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông Tp Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Chúng ta cần phải rất tỉnh táo khi lựa chọn. Quan điểm của tôi không phải bạn thất bại một lần mà nản chí bởi làm startup có khi thất bài nhiều lần rồi mới đến được với thành công. Ở đây chúng ta cần phải loại bỏ tư duy làm startup phong trào bởi điều đó là rất nguy hiểm.

Cũng tại workshop, hai diễn giả chính: Ông Nguyễn Hữu Thái Hoà – Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Chiến lược Tập đoàn VNPT và ông Phạm Trần Anh, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp và đối tác chiến lược Microsoft Việt Nam đã có những chia sẻ cởi mở về quan điểm làm thế nào để thành công khi khởi nghiệp, đặc biệt là trước xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 đang có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ hiện nay.

Nhóm phóng viên Dân Trí