Trang chủ / Báo chí / Đón năm học mới với sổ liên lạc điện tử VnEdu đa tiện ích

Đón năm học mới với sổ liên lạc điện tử VnEdu đa tiện ích

21/08/2018

Có thể theo dõi sát sao quá trình học tập, rèn luyện của con em một cách nhanh chóng, tiện lợi, phần mềm sổ liên lạc điện tử VnEdu (Giải Khuyến khích Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2014) của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT nhận được sự hài lòng và đánh giá cao của hầu hết phụ huynh. Nhờ đó, hệ sinh thái giáo dục thông minh này nhanh chóng được phủ sóng rộng khắp với 50% số trường trên cả nước áp dụng.

Con em trốn học, phụ huynh biết tức thì

Trao đổi về việc triển khai VnEdu tại trường THPT Vạn Xuân – Hoài Đức (huyện Hoài Đức – Hà Nội), thầy Trần Nguyên Hạnh – Hiệu Phó trường nhà trường cho biết, trường sử dụng dịch vụ này 2 năm học vừa qua, với 100% phụ huynh tham gia. Hầu hết các phụ huynh đều ủng hộ, phản hồi rất tích cực. Khác với cách làm truyền thống cô giáo sẽ nhận gửi sổ liên lạc vào mỗi cuối tuần, thì nay, thông tin được nhà trường gửi đến phụ huynh nhanh chóng, kịp thời.

“Ngay như việc học sinh nghỉ học (có phép hoặc không phép), đi muộn, trang phục chưa chỉnh tề, hay mang đồ có giá trị cao đến trường đều được cập nhật ngay sau tiết một của buổi học. Ngoài ra, thông tin về kế hoạch học tập, lịch thi, thông báo ngày nghỉ lễ, Tết, sinh hoạt ngoại khóa, các thông báo đột xuất cũng được cập nhật ngay tới phụ huynh”, thầy Hạnh nói.

Thầy Hạnh chia sẻ thêm, sổ liên lạc điện tử VnEdu chỉ mất một khoản chi phí rất nhỏ. Trường hợp học sinh con em gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, gia đình đặc biệt khó khănđược nhà cung cấp miễn phí. Tại trường THPT Vạn Xuân – Hoài Đức, khoảng 60 học sinh đang hưởng ưu đãi này.

Ngồi ở Việt Nam, học với giáo viên Mỹ

Theo thống kê của VNPT, đến tháng 6/2018, hệ sinh thái giáo dục thông minh đã triển khai ở 50% số trường trong cả nước với khoảng 2,9 triệu sổ liên lạc điện tử. Các trường đều đánh giá đây là dịch vụ không chỉ đầy đủ về chức năng mà còn dễ sử dụng.

Ông Lâm Ngọc Thủy – Phó GĐ Trung tâm Giải pháp Giáo dục TCT VNPT – IT cho hay, VnEdu 2.0 được xây dựng như một hệ sinh thái toàn diện cho ngành giáo dục, bao gồm 3 khối chức năng. Khối quản lý gồm các phần mềm, hệ thống CNTT phục vụ công tác điều hành trong nhà trường và cơ quan quản lý giáo dục, nhằm số hoá tất cả các công quản lý và điều hành của ngành giáo dục.

Khối học tập số cung cấp các công cụ soạn bài giảng, công cụ về eLearning, Mobile Learning, sẽ giúp cho giáo viên, học sinh dạy và học mọi lúc mọi nơi.

Khối liên thông tích hợp cho phép hệ thống hệ sinh thái Edu2.0 liên thông, tích hợp với tất cả các hệ thống khác, đặc biệt là các hệ thống do Bộ GD&ĐT triển khai như hệ thống dữ liệu ngành, các hệ thống về thống kê báo cáo. “Ngoài ra, khối liên thông tích hợp này cho phép các ứng dụng, dịch vụ tiên tiến có thể kết nối vào hệ thống. Hiện nay học sinh ngồi ở VN có thể học tiếng Anh với giáo viên ở Mỹ, tự động chấm điểm của học sinh so với người bản địa”, ông Thuỷ cho biết.

Ông Đỗ Mạnh Dũng – Trưởng phòng Quản lý sản phẩm – Ban KHTCDN – Tổng công ty VinaPhone cho biết, hiện nay, sổ liên lạc điện tử đã tập trung ở các tỉnh thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hoá, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hoà, TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Thời gian tới, VinaPhone sẽ nhân rộng mô hình để các trường, đặc biệt là các trường ở vùng núi, vùng sâu vùng xa, để mang lại tiện ích cho công tác giáo dục.

Dựa trên thành phần cốt lõi là các hệ thống cơ sở dữ liệu giáo dục tập trung được đồng bộ giữa các trường, Sở Giáo dục địa phương với hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung quốc gia, hệ sinh thái giáo dục thông minh VnEdu 2.0 được kết nối hết sức dễ dàng với các hệ sinh thái khác như Y tế, Bảo hiểm, An sinh xã hội – các thành phần cốt yếu của một thành phố thông minh.

Trong năm học 2018 – 2019, vnEdu sẽ có thêm nhiều tính năng mới như xây dựng hệ thống bài thi online, giúp giáo viên ra đề thi và học sinh có thể thi trực tuyến trên hệ thống. Ngoài ra, VinaPhone vẫn tiếp tục duy trì các chính sách bằng công tác hỗ trợ nhà trường và giáo viên từ các khâu đào tạo, chuyển giao, đặc biệt là công tác vận hành, sử dụng hệ thống.

Chia sẻ về mong muốn cập nhật điểm số, kết quả học tập định kì tuần, tháng tới phụ huynh, ông Dũng bày tỏ, thực tế hiện nay, việc cập nhật điểm định kì phụ thuộc vào đội ngũ giáo viên và bộ phận hỗ trợ tin học của các trường. VNPT sẽ tạo thêm tiện ích để GV dễ dàng hơn trong việc cập nhật điểm, tăng cường đội ngũ hỗ trợ tại các trường để cập nhật điểm thường xuyên.

“Để làm tốt việc này, các trường chủ động cập nhật thường xuyên hơn điểm số, kết quả học tập, tình hình học tập của học sinh để các bậc phụ huynh cập nhật được tình hình học tập của con em thường xuyên hơn”, ông Dũng đề xuất.

Phạm Lê – VnMedia