Giải thưởng Nhân tài Đất Việt: Con đường đưa sản phẩm công nghệ tới cộng đồng
Sản phẩm Bộ giải pháp định vị GPS/GNSS ứng dụng trong định vị độ chính xác cao (cỡ cm) và nâng cao an toàn, an ninh trong định vị vệ tinh (gọi tắt là NAVISTAR) đã thuyết phục thành công Hội đồng giám khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2015 để giành giải Nhất […]
Sản phẩm Bộ giải pháp định vị GPS/GNSS ứng dụng trong định vị độ chính xác cao (cỡ cm) và nâng cao an toàn, an ninh trong định vị vệ tinh (gọi tắt là NAVISTAR) đã thuyết phục thành công Hội đồng giám khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2015 để giành giải Nhất duy nhất trong lĩnh vực CNTT.
Nhóm tác giả đến từ Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS), ĐH Bách Khoa Hà Nội bao gồm 2 thành viên là đồng trưởng nhóm: PGS.TS Tạ Hải Tùng và TS. Lã Thế Vinh cùng 11 thành viên khác trong nhóm phát triển sản phẩm NAVISTAR. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Tạ Hải Tùng – đại diện cho nhóm NAVISTAR sau khi sản phẩm giành ngôi vị quán quân lĩnh vực CNTT triển vọng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (đứng thứ tư từ phải sang) và Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT Trần Mạnh Hùng (đứng ngoài cùng bên trái) trao giải Nhất duy nhất lĩnh vực CNTT. |
– Nhóm có thể chia sẻ ý tưởng tạo ra sản phẩm này mà theo đánh giá của nhiều người thì đây là một lĩnh vực mới và khó?Khi nào nhóm bắt tay vào phát triển sản phẩm?
PGS.TS. Tạ Hải Tùng: Mình theo học lĩnh vực này từ năm 2005, làm thạc sỹ và tiến sĩ ở Ý, sau đó làm nghiên cứu ở Úc cũng về đề tài này, tính đến nay chính xác ra là khoảng 10 năm. Đến giữa năm 2011 khi về nước mình bắt tay làm những cái đã được học. Ngoài ra, mình cũng muốn cập nhật xu thế công nghệ cùng với mấy anh em. Và sản phẩm này không phải một mình có thể làm được, còn có đồng trưởng nhóm là anh Lã Thế Vinh cùng đội chính gồm 13 người.
|
Nhóm Navistar bảo vệ sản phẩm trước hội đồng chung khảo cuộc thi Nhân tài Đất Việt 2015 |
– Anh đánh giá thế nào về giải thưởng Nhân tài Đất Việt?
PGS.TS. Tạ Hải Tùng: Nhân tài Đất Việt là một giải thưởng uy tín, Việt Nam là một thị trường hoạt động công nghệ thông tin sôi nổi nhưng không có nhiều giải thưởng uy tín và truyền thống lâu năm như giải thưởng Nhân tài Đất Việt. Để làm nên uy tín đó, ngoài sự đóng góp của Nhà tài trợ ra Ban tổ chức rất chuyên nghiệp còn có đội ngũ Ban giám khảo rất uy tín trong lĩnh vực công nghệ thông tin, làm chủ công nghệ. Qua buổi bảo vệ với hội đồng chung khảo, đội mình đã nhận thêm được nhiều ý kiến phản biện tốt để hoàn thiện thêm sản phẩm.
– Nhóm kỳ vọng giải thưởng này sẽ mang lại điều gì cho việc phát triển sản phẩm trong tương lai?
PGS.TS. Tạ Hải Tùng: Nói một cách nghiêm túc, mình không kỳ vọng nhiều lắm nếu chỉ dừng lại ở mức đoạt giải thưởng này. Nghĩ một cách đơn giản, giải thưởng chỉ giúp con đường của nhóm đi ngắn lại chút thôi. Cũng như các nhóm khác, bọn mình vẫn phải nỗ lực rất nhiều, như mọi người đều biết không phải ai đoạt giải thưởng cũng thành công. Việc tham gia cuộc thi của nhóm chỉ là một trong những nỗ lực để đưa sản phẩm của mình đến với cộng đồng. Nhóm luôn lo ngại phía sau giải thưởng là gì? Không phải lo việc mọi người đánh giá mình xứng đáng hay không xứng đáng, lo là mình phải làm sao đó để tận dụng cơ hội giải thưởng này mang lại, đừng làm phí công đánh giá của Ban giám khảo, Ban tổ chức, những người đã tin tưởng vào tiềm năng phát triển của sản phẩm.
NAVISTAR là sản phẩm thuộc nhóm Tiềm Năng, mà từ Tiềm Năng đến Thành Công còn cả một chặng đường. Con đường này thì Giải thưởng là một bệ phóng tốt nhưng để lái được nó có đến đích hay không thì còn phụ thuộc nỗ lực của nhóm, sau đó là cần có sự quan tâm đầu tư của một số đơn vị trong lĩnh vực sản phẩm mình phát triển nữa.
|
Các thành phần của Giải pháp NAVISTAR: phần cứng NAVISA, phần mềm NAVISAP, và mạng lưới dịch vụ NAVINET. |
– Tập đoàn VNPT là nhà tài trợ chính của cuộc thi Nhân tài Đất Việt 2015. Trong quá trình phát triển, nhóm đã nghĩ đến một sự hợp tác nào với Tập đoàn VNPT hay chưa?
PGS.TS. Tạ Hải Tùng: Thời điểm hiện tại thì nhóm vẫn chưa nghĩ đến hợp tác với một đơn vị cụ thể. Lĩnh vực này tương đối đặc thù, phải cẩn trọng trong việc tính lộ trình làm sao phát triển sản phẩm cho phù hợp. Chính do tính ứng dụng khá rộng rãi của sản phẩm mà nhóm phải chọn lĩnh vực trọng tâm. Khi tham gia Nhân tài Đất Việt, nhóm cũng mong muốn nhận thêm nhiều đóng góp ngoài của Hội đồng giám khảo, còn cần đóng góp từ cộng đồng để chọn lĩnh vực tiền đề cho tốt cho con đường phát triển tiếp theo của nhóm. VNPT là một tập đoàn mạnh, nhóm cũng rất mong muốn có cơ hội hợp tác. Được với VNPT là một điều quá tuyệt vời. Nhóm thực ra cũng đã có ý tưởng rồi nhưng còn chờ một độ trễ nhất định để đưa ý tưởng ra đặt vấn đề.
|
Bộ sản phẩm phần cứng NAVISA |
|
Đây là một bản giản lược của sản phẩm Navistar dành cho giám sát hành trình với độ chính xác cao hơn so với các sản phẩm khác bán trên thị trường và đặc biệt là còn có thêm khả năng chống phá sóng và giả mạo tín hiệu |
– Sản phẩm này đã được giải thưởng nào trong và ngoài nước chưa?
PGS.TS. Tạ Hải Tùng: Chính xác thì chưa. Đến khi diễn ra Nhân tài Đất Việt năm nay, nhóm mới cảm thấy sản phẩm có đủ “độ chín” nhất định. Còn đối với từng mô-đun trong sản phẩm thì đều đã có được sự ghi nhận quốc tế rồi như mô-đun về bộ thu Galio đã được chứng nhận là một trong 50 đơn vị đầu tiên trên thế giới phát triển thành công bộ thu Galio. Ngoài ra, mô-đun về Bắc Đẩu cũng là một trong những đơn vị đầu tiên được chứng nhận phát triển thành công bộ thu Bắc Đẩu.
– Nhóm kỳ vọng sản phẩm NAVISTAR sẽ phát triển như thế nào trong tương lai?
PGS.TS. Tạ Hải Tùng: Trong tương lai, nhóm sẽ tập trung nghiên cứu và nâng cao tính năng về độ tin cậy, độ an toàn / an ninh của dịch vụ định vị trên lãnh thổ Việt Nam. Các giải pháp cụ thể sẽ là: tích hợp thêm các tính năng nâng cao độ tin cậy của bộ thu (tích hợp các giải thuật ARAIM tiên tiến); phát triển các công cụ dò tìm phá sóng di động giúp lực lượng chức năng phát hiện các đối tượng xấu; phân tích và cảnh báo các lỗi, các thời điểm gián đoạn dịch vụ (không mong muốn) trong quá trình hoạt động của các hệ thống GNSS..
Ngoài ra, trước thực tế định vị chính xác ở các nước trong khu vực cũng chưa phát triển, Giải pháp NAVISTAR có tiềm năng không nhỏ để triển khai ngoài lãnh thổ Việt Nam, mở ra khả năng xuất khẩu cả phần cứng, phần mềm và dịch vụ trong một lĩnh vực công nghệ cao như định vị sử dụng vệ tinh.
|
TS.Lã Thế Vinh với 2 thành viên Giám khảo NTĐV 2015 trong buổi khảo sát thực tế vào sáng 17/11, về việc sử dụng hệ thống Navistar để vẽ vị trí di chuyển của bộ thu tín hiệu, hiển thị ngay trên máy tính bảng theo thời gian thực và độ chính xác tới cm. |
Mai Hương (thực hiện)