5 startup so tài tại Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2017
Hôm nay (14/11), 5 sản phẩm Công nghệ Thông tin khởi nghiệp lọt vào Chung khảo Nhân tài Đất Việt chính thức so tài. Các sản phẩm này đều có phạm vi ứng dụng rộng lớn, mang lại nhiều giá trị cho đời sống kinh tế xã hội, thậm chí có startup đã gọi được vốn rất lớn. Liệu sản phẩm nào sẽ giành được giải Quán quân năm nay?
Đúng 9h sáng 14/11, 5 nhóm tác giả sản phẩm CNTT khởi nghiệp nằm trong số 17 sản phẩm giành quyền lọt vào Chung khảo Nhân tài Đất Việt năm 2017 đã chính thức thức bảo vệ trước Hội đồng Chung khảo. Đây được coi là Giải thưởng uy tín nhất trong lĩnh vực Viễn thông – CNTT tại Việt Nam do Tập đoàn VNPT và Báo Dân trí đồng tổ chức. VNPT-Media là đơn vị bảo trợ truyền thông cho Giải thưởng. Ban Giám khảo “cầm cân, nảy mực” đều là những chuyên gia “lão làng” trong lĩnh vực Viễn thông, CNTT và bảo mật. Vậy sản phẩm nào sẽ bảo vệ thành công trong buổi chấm Chung khảo hôm nay?
Đầu tiên là nhóm tác giả sản phẩm Ứng dụng công khai thông tin quy hoạch trực tuyến – bản đồ quy hoạch trực tuyến của nhóm Tác giả Công ty TNHH VLAB
Đây là giải pháp ra đời nhằm công khai thông tin quy hoạch, bản đồ quy hoạch giúp làm giảm tình trạng cò đất, làm khó người dân khi muốn tiếp cận nguồn thông tin quy hoạch.
Nếu như trước đây, để tra cứu thông tin quy hoạch, người dân phải đến trực tiếp UBND phường gặp cán bộ địa chính hỏi, thì giờ đây nhờ ứng dụng “công khai thông tin quy hoạch trực tuyến – Bản đồ quy hoạch trực tuyến” của Công ty Trách nhiệm hữu hạn VLAB, người dân có thể xác định nhanh và chính xác chức năng sử dụng của khu đất mình quan tâm ngay trên website. Ứng dụng này mới được đưa ra thị trường từ tháng 02/2017 và đã được áp dụng tại quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Sau 9 tháng ra đời, đã có 33.108 người dùng sử dụng ứng dụng này từ website, 4.434 người dùng từ ứng dụng android và 2.760 người dùng từ ứng dụng iOS.
Đánh giá sản phẩm này, Ban Giám khảo cho rằng, VLAB đã nhắm vào lĩnh vực xã hội đang rất quan tâm là quy hoạch đất đai, đây là vấn đề rất nóng. Tuy nhiên, trong bài trình bày của nhóm tác giả vẫn chưa nêu bật được giá trị của sản phẩm mang lại cũng như định hướng kinh doanh, vấn đề xử lý dữ liệu sai, bảo mật…
Chính vì vậy, hai bạn trẻ đền từ VLAB đã bị những vị Giám khảo là những chuyên gia hàng đầu về công nghệ thông tin, bảo mật xoay chóng mặt và lúng túng trả lời đôi khi không đúng như những gì Giám khảo mong muốn.
Chẳng hạn, khi được hỏi về định hướng kinh doanh như thế nào trong tương lai? Đại diện VLAB cho rằng: “Hiện tại chúng em xây dựng sản phẩm cho cơ quan nhà nước, ngoài sản phẩm này còn xây dựng ứng dụng quản lý phản ánh trật tự đô thị, đây là bước khởi đầu để có dữ liệu của cơ quan để xây dựng dữ liệu mở”.
Những câu hỏi của Giám khảo không chỉ muốn làm rõ những giá trị của sản phẩm này mang lại cho xã hội, độ chính xác tin cậy, vấn đề bảo mật, chiến lược kinh doanh… mà còn là những gợi mở để cho nhóm thí sinh có thể hoàn thiện thêm sản phẩm sau này.
“Nếu không có được đầu tư ban đầu, chiến lược cụ thể thì khó thành công. Chẳng hạn các bạn có thể phối hợp với cơ quan chính quyền để cung cấp dịch vụ, và người dùng sử dụng sẽ trả phí, đó cũng là một hướng kinh doanh”, Giám khảo Phùng Văn Ổn gợi ý.
Về tính bảo mật, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Lịch đã “xoay” khiến cho nhóm tác giả lúng túng về vấn đề xử lý lỗ hổng, vấn đề gây hiệu ứng nếu dữ liệu sai trong trường hợp hệ thống đã có hàng triệu khách hàng. Đối thủ muốn đánh sập hệ thống cũng như việc chuẩn hóa dữ liệu sai là những vấn đề đặt ra cần phải giải quyết.
Ứng dụng kết nối dịch vụ Rada của nhóm tác giả công ty cổ phần Rada
Nếu như nhóm VLAB là các bạn trẻ 9x chưa va chạm nhiều với các cuộc thi nên phần bảo về còn hơi run và lúng túng thì nhóm Rada với các thành viên 7x già dặn hơn và có nhiều kinh nghiệm cọ sát trên thị trường và các cuộc thi, nên rất tự tin bảo vệ trước hội đồng Giám khảo. Phần trình bày khá rõ ràng từ giá trị sản phẩm mang lại đến lợi thế cạnh tranh, mô hình kinh doanh và tham vọng tương lai…
Theo đại diện của nhóm Rada trình bày, đây là ứng dụng được nhóm startup Rada phát triển từ hai năm nay xuất phát từ ý tưởng muốn kết nối các dịch vụ theo yêu cầu, hướng tới các dịch vụ khách hàng có nhu cầu để cung cấp tận nơi với giá rẻ hơn 1/3 so với thị trường.
Ra đời từ tháng 11/2015, ban đầu dịch vụ này chỉ kết nối người sử dụng xe máy đến các cửa hàng sửa xe, các trung tâm cứu hộ nhưng một thời gian sau, tiếp tục được mở rộng thành ứng dụng kết nối dịch vụ theo yêu cầu hướng tới các dịch vụ mà khách hàng có nhu cầu được cung cấp tận nơi, gồm 10 nhóm dịch vụ – xây dựng sửa chữa, tư vấn, tin học, giúp việc, vận chuyển, chăm sóc sức khỏe…
Đến nay, ứng dụng Rada đã có hơn 100 phiên bản được cập nhật, thay đổi theo thực tế của thị trường và được cộng đồng đánh giá cao về tính ứng dụng. Theo thống kê của Rada, sau 2 năm triển khai thực tế, ứng dụng đã có trên 900 nhà cung cấp là doanh nghiệp và 2000 thợ sửa chữa trên toàn bộ hệ thống tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, với hơn 200.000 lượt tải về trên iOS, Android, 50.000 tài khoản được kích hoạt, 22.000 lượt dịch vụ được kết nối thành công hàng tháng. Các con số này vẫn tiếp tục tăng trưởng hàng ngày.
Dù tiềm năng thị trường cho Rada theo như nhóm tác giả trình bày rất tươi sáng nhưng Giám khảo Nguyễn Thanh Hưng – hiện là Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử đã chỉ ra những vấn đề nhóm cần tham khảo về chỉ số thương mại điện tử hàng năm, để cân đối lại thị trường và đánh giá lại thực trạng của Việt Nam. Bên cạnh đó, Giám khảo Nguyễn Thanh Hưng còn chia sẻ rất nhiều về những thách thức từ phương thức thanh toán để Rada có định hướng giải quyết.
Ngoài ra, các Giám khảo còn đưa ra những câu hỏi xác đáng về yếu tố công nghệ, sự bảo đảm về công nghệ như thế nào, cơ chế đảm bảo chất lượng dịch vụ, tránh lợi dụng, rào cản thanh toán tiền mặt…
Là nhóm startup già dặn kinh nghiệm nên nhóm đã bảo vệ rất tự tin và trả lời rành mạch từng câu hỏi của Giám khảo đặt ra. Nhóm khẳng định rằng, những câu hỏi của BGK đặt ra thì nhóm đã trải qua 2 năm để giải đáp. Trên thực tế, không chỉ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mà các khu vực như thành phố Huế cũng rất khao khát được sử dụng trên hệ thống kết nối dịch vụ online và sắp tới ở Cần Thơ có các đối tác cũng mong muốn sử dụng dịch vụ này.
Nhóm khẳng định rằng sẽ tiếp tục phát triển theo hướng tổng hợp. Còn về thanh toán trực tuyến hay bằng tiền mặt, thực tế thị trường diễn ra thanh toán tiền mặt và chúng ta phải chấp nhận điều đó. Nhóm đã nhận được khoản đầu tư khoảng 3,4 tỷ đồng và 2 năm là hết, không nên cố gắng thay đổi và yêu cầu thanh toán trực tuyến mà chấp nhận thanh toán tiền mặt. Rada chấp nhận 2 hình thức đó. Rada có chính sách buộc nhà cung cấp phải cam kết nếu có khiếu nại của khách hàng để giải quyết câu chuyện đảm bảo chất lượng dịch vụ cam kết vào thực tế.
Nhóm dự định sau này sẽ bổ sung AI để nhận biết nhu cầu mong muốn của khách hàng. Trong tương lai Rada sẽ là nền tảng tổng hợp kết nối tất cả dịch vụ. Mong muốn lấy Việt Nam làm bàn đạp để vươn ra thị trường Thái Lan và Châu Á, đại diện nhóm khẳng định.
Giải pháp chống tấn công APT – CyberAPT của nhóm Tác giả đến từ Công ty cổ phần Công nghệ An toàn mạng Cyberlab
Đây là sản phẩm an toàn thông tin duy nhất lọt vào Chung khảo Giải thưởng NTĐV năm nay. Về cơ bản, CyberAPT là phần mềm tích hợp trên các thiết bị phần cứng phù hợp để tạo ra một giải pháp đồng bộ vừa đảm bảo các tính năng lẫn hiệu năng phục vụ cho việc phát hiện các tấn công có chủ đích APT.
Khách hàng chỉ cần cắm thiết bị này vào mạng qua cổng span port, cấu hình core switch đẩy dữ liệu qua thiết bị hoặc máy chủ ảo hóa.
Khác với các giải pháp an toàn thông tin truyền thống khác, CyberAPT không phụ thuộc quá nhiều vào việc cập nhật các mẫu tấn công, các mẫu mã độc,..mà đi sâu vào việc phân tích dữ liệu mạng bằng cách áp dụng các công nghệ riêng nhằm phát hiện ra các kết nối bất thường đang hoạt động trong hệ thống mạng của tổ chức, từ đó bằng các thuật toán và công nghệ để nhận diện ra đâu là các cuộc tấn công có chủ đích APT.
Tại buổi bảo vệ, nhóm cũng bày tỏ rằng, mong muốn lớn nhất của nhóm khi tham gia Giải thưởng NTĐV là tìm kiếm các đối tác hợp tác về mặt công nghệ để phát triển sản phẩm.
“Cách tiếp cận của nhóm rất phù hợp trong phòng chống tấn công APT, bởi phần lớn dùng hạ tầng điều khiển và đặt ngoài lãnh thổ. “Câu chuyện cách tiếp cận của nhóm rất phù hợp là chặn lấy thông tin đi ra đi vào quốc tế, và dựa trên hạ tầng sẵn có. Hiện có hàng chục ngàn máy chủ điều khiển và mã độc khu vực Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn dùng “súng cũ” để tấn công. Giải pháp này của nhóm cũng là nhu cầu ở VN đang cần rất nhiều, vì các phần mềm diệt virus hiện nay không phát hiện ra. Giải pháp của nhóm rất tối đối với phòng chống APT chủ địch còn mã độc tấn công APT tự hành không trao đổi thông tin, tự điều khiển, tự phát tán thì giải pháp này có lẽ chưa phát hiện được”, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Lịch nhận xét.
Ngoài việc đánh giá cao về mặt công nghệ, Ban Giám khảo cho rằng, nhóm chưa trình bày rõ về mô hình kinh doanh, định hướng phát triển thị trường,…
Buổi chiều 14/11, nhóm tác giả sản phẩm “Sàn thương mại điện tử đại lý bán hàng online theo mô hình kinh doanh nhân bản hạt nhân của công ty cổ phần thương mại điện tử 5T Quốc tế” và “Phần mềm quản lý điều hành thông minh cho nhà vận tải An Vui của nhóm tác giả đến từ công ty TNHH Công nghệ Vận tải AN VUI” tham gia bảo vệ.
Sàn thương mại điện tử đại lý bán hàng online theo mô hình kinh doanh nhân bản hạt nhân của công ty cổ phần thương mại điện tử 5T Quốc tế” là hệ thống kinh doanh Online theo mô hình kinh doanh nhân bản hạt nhân website và quản lý theo Id (Số Điện Thoại) của đại lý. Khác biệt với các sàn giao dịch khác là tạo ra cộng đồng đại lý bán hàng rộng lớn thông qua một Click chuột.
Đây là sản phẩm đầu tiên ứng dụng công nghệ nhân bản website lấy số Điện thoại đại lý làm ID nhân bản. Theo lý thuyết có thể nhân bản hàng triệu website trong thời gian cực ngắn. Sản phẩm này từng đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội lựa chọn là một trong những dự án khởi nghiệp xuất sắc của Vườn ươm Doanh nghiệp CNTT của thành phố.
Hiện nay, sau gần 5 tháng triển khai đã có 50 Tập đoàn, công ty ký kết tham gia đưa sản phẩm lên sàn TMĐT này, đặc biệt là các tập đoàn lớn như Tập đoàn dược phẩm Việt Nam (VPI), Công ty cổ phần kinh doanh chế biến nông sản Bảo minh, Viện da giầy Việt Nam, Hợp tác xã Trường Thành, hãng thời trang Kisdmoon…
Với sản phẩm này, các Giám khảo đã xoáy sâu quanh câu hỏi về “mô hình này có phải đa cấp hay không?” Về câu hỏi này, câu trả lời của nhóm chưa được thỏa đáng.
Về công nghệ, nhóm dùng .Net của Microsoft, và tự xây dựng thêm công nghệ tự tạo nhân bản. Mô hình kinh doanh hiện nay của hãng là bước nâng cấp của mô hình AccessTrade, và tương tự như của Amazon và Alibaba nhưng được tối ưu hóa hơn vì dùng số điện thoại để nhân bản.
Bên cạnh đó các Giám khảo cũng tranh luận rất sôi nổi về hàm lượng công nghệ của sản phẩm này với giá trị sản phẩm mang lại. Bởi tiêu chí quan trọng nhất để BGK đánh giá sản phẩm CNTT khởi nghiệp là có triển vọng hay không nhưng bên cạnh đó vẫn còn phải đáp ứng tiêu trí công nghệ có bền vững hay không.
BGK khuyến nghị nhóm tác giả cần quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống bởi sau lưng của sản phẩm này có hàng nghìn đại lý, nhà sản xuất nên ảnh hưởng sẽ kéo theo cả cộng đồng.
Phần mềm quản lý điều hành thông minh cho nhà vận tải An Vui của nhóm tác giả đến từ công ty TNHH Công nghệ Vận tải AN VUI được xây dựng trên nền tảng Công nghệ mới của Google sử dụng trên nền dữ liệu lớn Bigdata và BigQuery. Hiện tại đây là sản phẩm đầu tiên trên thị trường có khả năng quản lý tổng thể cho nhà vận tải từ khâu quản lý điều hành đến khâu bán vé và tiếp cận hành khách đặt vé online.
Chính thức đưa ra thị trường từ ngày 1/7/2017, ANVUI là giải pháp mới có tốc độ phát triển nhanh. Sau 01 tháng đã có 05 nhà vận tải tin dùng. Hiện ANVUI đã khảo sát và thu thập được dữ liệu của 600 nhà xe trong cả nước và có 1600 tuyến xe. Tất cả đều có thể tra cứu được trên hệ thống websitehttp://anvui.vn.
Theo đại diện nhóm tác giả, AN VUI mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng, nhà xe và cơ quan quản lý nhà nước. Đối với khách hàng, họ sẽ được lợi là mua vé thuận lợi hơn. Chỉ cần chọn điểm đi, điểm đến, ngày giờ, hệ thống sẽ liệt kê ra các nhà xe nằm trên hệ thống để hành khách lựa chọn, chọn chỗ ngồi theo thời gian thực, có thể thánh toán online hoặc offline tại siêu thị chỉ cần quét mã để thanh toán.
Hơn nữa, phần mềm giải quyết giảm tải cho bến xe trong dịp lễ tết, cung cấp bức tranh tổng thể cho các nhà hoạch định chính sách để đưa ra quyết định, giảm bớt tai nạn giao thông, tranh cướp khách trên đường,…
Đại diện nhóm kỳ vọng rằng, mục tiêu đến 2020, ANVUI sẽ có mặt tại Lào và Campuchia và các thị trường môi trường vận tải tương tự Việt Nam.
Tuệ Minh – VnMedia