Nhóm CNTT Triển vọng là nhóm có đông sản phẩm nhất lọt vào Vòng chung khảo cuộc thi Nhân tài Đất Việt 2015. Nhóm này luôn là nhóm hấp dẫn nhất với đa dạng các sản phẩm tham gia tranh tài sôi nổi.
Năm nay, Chủ trì Hội đồng chấm Chung khảo các sản phẩm nhóm CNTT Triển Vọng là PGS.TS Lương Chi Mai – Viện CNTT; các thành viên khác gồm có TS. Nguyễn Khắc Lịch, Phó Giám đốc VNCERT; PGS.TS Lê Sĩ Vinh, trưởng khoa CNTT – trường Đại học công nghệ – ĐHQG HN; PGS.TS Vũ Đức Lung, Phó Hiệu trưởng Đại học CNTT TP.HCM; PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – ĐHBK HN; TS. Hoàng Lê Minh, Viện trưởng Viện CNPM & NDS; TS. Trần Quý Nam – Học viện Công nghệ BCVT VN; Và mỗi nhóm thí sinh sẽ có 45 phút vừa trình bày và bảo vệ trước hội đồng Ban giám khảo.
Mở đầu phần chung khảo Sản phẩm CNTT triển vọng, nhóm tác giả sản phẩm “Công nghệ hòa âm thông minh”, đây là một sản phẩm đầu tiên trên thế giới có thể điều khiển đàn organ thay cho con người, phần mềm cho phép người dùng có thể tạo ra các bản hòa âm phối khí trong thời gian nhanh nhất mà không cần người dùng phải biết chơi đàn.
|
Nhóm tác giả “Công nghệ hòa âm thông minh” |
Trong phần tranh luận, ban giám khảo đánh giá đối tượng người dùng của sản phẩm này trong phạm vi hơi hẹp và đặt câu hỏi sau 10 năm phát triển, sao sản phẩm này vẫn nằm trong nhóm Triển Vọng, bác Trưởng nhóm Nguyễn Anh Kiệt cho biết “Thực ra, số lượng người yêu thích âm nhạc nhưng không am hiểu về nhạc lý nhiều hơn hẳn số lượng nhạc sỹ và những người hòa âm phối khí chuyên nghiệp nên nhu cầu này rất lớn”. Ngoài ra, sản phẩm “Công nghệ hòa âm thông minh” của nhóm mới đạt được bước tiến mới trong hoàn thiện giải pháp tự động hóa hoàn toàn các thao tác bằng tay của con người trong việc điều khiển đàn điện tử hòa âm”.
Nhóm thứ 2 trình bày trong buổi sáng là nhóm sản phẩm WONAV CT – Giải pháp thu thập và số hóa dữ liệu biển báo giao thông. Đây là sản phẩm được ứng dụng trong lĩnh vực thu thập dữ liệu bản đồ cho các ứng dụng GIS (hệ thống thông tin địa lý) trong lĩnh vực quản lý giao thông, quản lý hạ tầng đô thị, khảo sát thị trường, chụp ảnh đường phố để Upload lên bản đồ Google để làm dữ liệu Google Street View… Khi sử dụng sản phẩm sẽ tạo ưu thế tuyệt đối so với cách làm truyền thống như giúp giảm chi phí thực hiện xuống còn 1/3, giảm số nhân công xuống còn 1/100 và giảm thời gian thực hiện một dự án xuống còn 1/10.
|
Nhóm Wonav-CT: Giải pháp thu thập và số hóa dữ liệu biển báo giao thông |
Quá trình phản biện của Ban giám khảo diễn ra rất sôi nổi khi đặt ra các câu hỏi về vấn đề “Khi ứng dụng tại các đô thị lớn như Hà nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì sóng GPS bị các tòa nhà cao tầng che mất thì mọi việc có diễn ra thuận lợi không?” “Ngoài ra, tùy tình hình thời tiết trong xanh hay gió mạnh mưa bão có ảnh hưởng đến kết quả thu được?”, “Biển báo giao thông không phải lúc nào cũng xuất hiện dễ nhìn, giải pháp nào khi gặp tình huống đó”. Đại diện cho nhóm tác giả đến từ Vũng Tàu, trưởng nhóm Lê Thành Trung cho biết “Nhóm phát triển đều đã tính trước hết những khó khăn có thể gặp trong thực tế triển khai, nhóm sẽ tăng cường thêm các trạm kích sóng GPS tại những địa hình sóng GPS yếu”, “Thời tiết không thuận lợi hay biển báo giao thông bị che khuất có thể làm giảm độ chính xác của hình ảnh thu được thì sản phẩm đã có chế độ hiệu chỉnh bằng tay để kết quả thu được chất lượng hơn”. Trong tương lai, nhóm WONAV-CT có ý định kết hợp với nhóm NAVISTAR đến từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (một sản phẩm khác dự thi Nhân tài Đất Việt 2015) để tăng độ chính xác trong định vị của kết quả đầu ra sản phẩm tới mức sai số cm.
|
Một vị giám khảo chăm chú quan sát sản phẩm của nhóm Quản lý chiếu sáng thông minh bằng giải pháp thiết bị công nghệ Việt Nam |
Nhóm tác giả Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội với trưởng nhóm là PGS.TS Trần Xuân Tú đã hoàn thiện sản phẩm “Vi mạch mã hóa tín hiệu video VENGME H.264/AVC”. Sản phẩm này được thiết kế nhắm tới các ứng dụng như camera an ninh, camera giao thông, camera giám sát hiện trường hay đơn giản là các camera giám sát toà nhà, trường học, các địa điểm công cộng… và các thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy quay video. Ngoài ra, việc làm chủ được công nghệ thiết kế mạch tích hợp và có khả năng giải quyết các vấn đề công nghệ hiện đại, cho phép triển khai thiết kế các vi mạch quan trọng phục vụ cho lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia bằng nội lực.
|
PGS.TS Trần Xuân Tú trình bày sản phẩm Vi mạch mã hóa tín hiệu video VENGME H.264/ACC |
Tham gia phản biện sản phẩm “Vi mạch mã hóa tín hiệu video”, hội đồng giám khảo có mời thêm TS. Trần Hữu Quyền – Tổng giám đốc VNPT Technology và PGS.TS Hoàng Văn Phúc – giảng viên, chuyên gia thiết kế vi mạch Học viện Kỹ thuật quân sự tham gia.
Hội đồng giám khảo đều đánh giá cao sự thành công của sản phẩm, khi nghiên cứu thiết kế và chế tạo vi mạch chuyên dụng mã hóa video đầu tiên của Việt Nam. Một số câu hỏi được nêu ra như “Chi phí chế tạo chip là rất lớn, vậy nguồn kinh phí ở đâu ra để nghiên cứu và phát triển”. “Yếu tố nào cạnh tranh với các sản phẩm khác với chức năng gần như vậy”. PGS.TS Trần Xuân Tú với bản lĩnh của mình đã trả lời cụ thể các câu hỏi của hội đồng giám khảo. “Sản phẩm nhóm phát triển sẽ không đi theo con đường sản xuất chip để làm thương mại vì khó cạnh tranh với thế giới mà bám theo hướng bán license và có thể tùy biến tùy theo nhu cầu của khách hàng, chúng ta dừng lại ở bước chuyển giao công nghệ còn sản xuất đại trà lại là câu chuyện của các công ty. Ưu điểm của sản phẩm VENGME H.264/AVC là rất quan tâm đầu tư làm lượng chất xám vào 2 vấn đề quan trọng: công suất tiêu thụ và bảo mật. Ngoài ra, một ví dụ cụ thể như camera ứng dụng sản phẩm trong giám sát và xử lý ảnh có thể tracking được các chuyển động. Thuật toán phát hiện chuyển động sẽ chỉ khi nào có chuyển động mới ghi hình để ghi hình một cách có ích nhất.”. “Vấn đề nguồn kinh phí để thực hiện dự án một phần là do dự án được sự tài trợ cấp quốc gia với kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng, nhóm nghiên cứu cũng cố gắng phát huy hết nội lực sáng tạo để giảm chi phí, ví dụ trừ bộ vi xử lý và bộ nhớ thì ta đi theo công nghệ mới nhất vì nó đòi hỏi tốc độ xử lý quá lớn, còn lại những yếu tố khác nếu có thể thì vẫn dùng công nghệ cũ để giảm giá thành sản xuất.
PGS.TS Hoàng Văn Phúc xác nhận “Công nghệ nào không quan trọng lắm, quan trọng là nhóm nghiên cứu làm chủ được công nghệ từ A đến Z”.
Tiếp theo là nhóm “Bộ giải pháp định vị GPS/GNSS ứng dụng trong định vị độ chính xác cao (cỡ cm) và nâng an toàn, an ninh trong định vị vệ tinh – NAVISTAR” của Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS) – Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Đây là một trong những sản phẩm có độ phủ tiềm năng ứng dụng đa dạng nhất trong các sản phẩm dự thi. Các lĩnh vực có thể ứng dụng từ Đo đạc, bản đồ, giao thông vận tải, cảnh báo thiên tai cho đến giáo dục đào tạo và an ninh quốc phòng..
|
PGS.TS Tạ Hải Tùng trình bày sản phẩm Bộ giải pháp định vị GPS/GNSS ứng dụng trong định vị độ chính xác cao (cỡ cm) và nâng an toàn, an ninh trong định vị vệ tinh – NAVISTAR |
Câu hỏi hội đồng giám khảo đưa ra cho nhóm Navistar là “Sản phẩm này đến nay đã trải qua 48 tháng phát triển, sao lại lâu vậy, kinh phí duy trì từ đâu ra?”. PGS.TS Tạ Hải Tùng cho biết “48 tháng làm cả phần cứng rất nhiều phần cứng, từ phiên bản to, tối thiểu mất 6 tháng đến 1 năm để làm mạch làm phần cứng, giai đoạn test sản phẩm rất quan trọng, khác với làm phần mềm, sau một vài tháng có thể ra phiên bản mới nhưng làm phần cứng là không thể.” “Kinh phí để duy trì dự án là những sản phẩm đơn giản ứng dụng công nghệ như bộ định vị trên hệ thống xe khách với độ chính xác cao, có giản lược đi chức năng nhưng với giá thành 3,6 triệu/sản phẩm để “lấy ngắn nuôi dài”.
|
Trưởng nhóm sản phẩm Monkey Junior – Tiếng Anh cho trẻ em |
Kết thúc buổi sáng là sản phẩm “Tiếng Anh cho trẻ em – Monkey Junior”. Đây là sản phẩm được nhóm tác giả đến từ Công ty TNHH Early Start, anh Đào Xuân Hoàng, trưởng nhóm chia sẻ “Khi nộp hồ sơ dự thi Nhân tài Đất Việt 2015, nhóm tác giả nghĩ là không hoàn thiện kịp sản phẩm để chính thức bước vào giai đoạn thương mại hóa nhưng vượt sự mong đợi của nhóm, đầu tháng 11 vừa qua, sản phẩm đã bước vào mốc hoàn thiện đầu tiên với một số gói sản phẩm”. Hội đồng giám khảo cũng đánh giá sản phẩm Monkey Junior “nhẽ ra” phải trong danh sách hạng mục sản phẩm CNTT Thành Công mới đúng vì đã đạt 230.000 lượt tải với trên 2500 đánh giá 4,5/5 sao. Sản phẩm cũng đã được thương mại hóa khá thành công hiện nay khi doanh thu hàng trăm triệu mỗi tháng mặc dù chưa áp dụng bất cứ chiến dịch truyền thông quảng bá nào.
|
Nhóm tác giả sản phẩm “Quản lý chiếu sáng công cộng thông minh bằng giải pháp công nghệ thiết bị Việt Nam” |
Nhóm thí sinh thứ hai đến từ thành phố Vũng tàu với sản phẩm “Quản lý chiếu sáng công cộng thông minh bằng giải pháp công nghệ thiết bị Việt Nam” mở màn buổi chiều bảo vệ cuộc thi. Đây cũng một trong những sản phẩm hội đồng giám khảo đánh giá nên đưa sang hạng mục Thành Công vì sản phẩm đã được thương mại hoá và có những thành công ban đầu đáng khích lệ khi ứng dụng thử nghiệm một số nơi tại các tỉnh thành Vũng Tàu, Tiền Giang, Cần Thơ, TP.HCM, Hà nội, Lào Cai… Ban giám khảo lưu ý về khả năng bảo mật của trung tâm quản lý chiếu sáng.
Sản phẩm “Hệ thống đặt vé xe trực tuyến” của Công ty CP Vexere được trưởng nhóm Trần Nguyễn Lê Văn trình bày rất ngắn gọn và thuyết phục. Trong phần phản biện thí sinh, PGS.TS Lê Sĩ Vinh khá thắc mắc về số lượng 30 server mà công ty trang bị để đảm bảo hoạt động được thông suốt vì với lượng truy cập 30.000 người mỗi ngày vào website vexere.com, cũng như hoạt động trên giao diện quản lý nhà xe của hơn 50 hãng xe đã hợp tác với công ty, hệ thống quản lý phòng vé cho đại lý và xử lý trung tâm thì theo lý thuyết cũng không cần dùng đến số lượng server nhiều đến như vậy. Kể cả vào thời kỳ cao điểm, lượng giao dịch có tăng đột biến lên gấp 3 lần ngày thường thì số lượng 30 server trang bị dường như vẫn là hơi nhiều.
|
Tác giả sản phẩm “Hệ thống đặt vé xe trực tuyến” của Công ty CP Vexere |
Hội đồng giám khảo góp ý về khả năng mở rộng các tính năng nâng cao như cho phép đặt lịch nối chuyến huỷ vé hay báo tin nhắn SMS về cho khách hàng khi có sự thay đổi với lịch trình chuyến đi. Câu trả lời của thí sinh là các tính năng nâng cao này đều đã được đội ngũ phát triển sản phẩm tính đến và sẽ hoàn thiện trong tương lai tuỳ thuộc nhu cầu tuỳ biến, chi phí dành cho phần mềm của từng đối tượng khách hàng.
|
Đại diện sản phẩm UIT-Vislogorec: “Hệ thống phát hiện logo trong ảnh và video hỗ trợ quản lý thương hiệu” bảo vệ trước hội đồng chung khảo |
Sản phẩm UIT-Vislogorec: Hệ thống phát hiện logo trong ảnh và video hỗ trợ quản lý thương hiệu của nhóm tác giả đến từ Phòng thí nghiệm truyền thông đa phương tiện, ĐH CNTT, ĐHQG – TPHCM được đánh giá là một đề tài thú vị khi giải quyết vấn đề kỹ thuật phát hiện và nhận dạng trên thông tin hình ảnh để tìm ra độ phổ biến của hình ảnh trên môi trường Internet, độ phủ của thương hiệu phục vụ cho vấn đề đánh giá hiệu quả của hoạt động Marketing.
Sản phẩm cuối cùng của buổi bảo vệ nhóm sản phẩm CNTT Triển Vọng là “Thiết bị giao tiếp thông minh dành cho người khuyết tật Handi Glass” vì lý do cá nhân đã không thể bảo vệ trước hội đồng chung khảo.