Trang chủ / Báo chí / Nhân tài Đất Việt 2018: “Cô gái không gục ngã” tự học thành tài

Nhân tài Đất Việt 2018: “Cô gái không gục ngã” tự học thành tài

21/11/2018

13 tuổi, Nguyễn Bích Lan buộc phải nghỉ học ở nhà bởi căn bệnh loạn dưỡng cơ không có phương pháp điều trị. Bằng ý chí và nghị lực phi thường, chị đã tự học để trở thành một dịch giả nổi tiếng với việc dịch hơn 30 đầu sách và là một nhà văn với nhiều tác phẩm sáng tác.

Dịch giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan là cái tên không còn xa lạ bởi hàng loạt những giải thưởng cao quý đã đạt được. Bên cạnh đó, chị còn được biết đến như một người gieo hạt giống tâm hồn, có sự ảnh hưởng lớn bởi chính hoàn cảnh đặc biệt của mình. Nguyễn Bích Lan là 1 trong 6 nhân vật tiêu biểu được vinh danh với “Giải thưởng khuyến học – Tự học thành tài” trong giải Nhân tài Đất Việt 2018, PV Dân trí đã có cuộc trò chuyện với chị.

Xin chào chị ! Chị nghĩ sao khi mọi người gọi chị là “cô gái không gục ngã”?

Tôi nghĩ mọi người gọi tôi như vậy là bởi “Không gục ngã” là tên cuốn tự truyện của tôi, cũng như trước đó nhiều bạn đọc đã gọi tôi là “Cô triệu phú khu ổ chuột” (cười). Còn tôi đương đầu với khó khăn hàng ngày như thế nào thì chỉ bản thân tôi và gia đình tôi mới hiểu được. Buổi sáng tôi làm thế nào để dậy khỏi giường đó cũng là một vấn đề. Làm sao tôi có thể quên đi việc mình đau ốm để ngày nào cũng như ngày nào ngồi dịch hết dòng này đến dòng khác, hết trang này đến trang khác cũng là một câu hỏi với chính bản thân tôi. Thôi thì cứ biết ngày hôm nay tôi còn đang thở và còn làm việc được, là đủ tốt rồi!


Dịch giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan được vinh danh Giải thưởng khuyến học - Tự học thành tài trong Giải Nhân tài đất Việt năm 2018.

Dịch giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan được vinh danh “Giải thưởng khuyến học – Tự học thành tài” trong “Giải Nhân tài đất Việt” năm 2018.

Từ một người bất ngờ phải chấp nhận căn bệnh nan y tưởng chừng sẽ dừng lại cuộc đời ở đó, Bích Lan vươn lên thành một dịch giả, nhà văn nổi tiếng, hẳn chị sẽ có nhiều kỉ niệm đáng nhớ gắn liền với những độc giả của mình?

Tôi nhớ nhất là mốc thời gian khi có phóng sự “Không gục ngã” của nhà báo Quốc Việt nói về hành trình tự học của tôi và nhấn mạnh giai đoạn tôi dịch sách được đăng trên báo Tuổi trẻ: trong một thời gian ngắn tôi nhận được khoảng 1.200 bức thư. Vì số lượng quá nhiều nên tôi phải chia ra từng ngày để đọc dần và trả lời, trong đó tôi ưu tiên những lá thư có đặt những câu hỏi về cách học tiếng Anh, về cách vượt qua nỗi buồn, thậm chí về những địa điểm chỉ cắt thuốc bắc, khám bệnh… Tình cảm của bạn đọc, tôi không diễn tả được nên tôi mới nói tôi là người may mắn.

Tôi may mắn được sống trong bầu yêu thương không chỉ của gia đình mà với độc giả cả nước. Trong đó tôi nhớ mãi có một bác hơn 70 tuổi đi từ trong Sài Gòn ra đây, bác chống một cái ba toong vì bác mới bị tai biến ra Thái Bình gặp tôi. Khi bác vào đến sân, bác gọi tôi: “Bích Lan của bác đâu rồi?”. Giây phút đó tôi xúc động vô cùng vì bác giống như một người thân của mình vậy. Rồi bác lấy trong ba lô ra rất nhiều thứ trao cho tôi từ lọ dầu xoa bóp của con bác gửi từ nước ngoài về cho bác dùng và giờ bác chia cho tôi. Cùng với đó là thư viết tay dài 6 trang mà bác viết sau khi bác đọc bài về tôi, bác cũng mang ra cho tôi. Trong suốt thời gian của cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, bác ngồi nắm bàn tay tôi trong tay bác, bàn tay tôi thì lạnh mà bàn tay bác thì nóng, bác nói “Bác sẽ truyền một chút sức khỏe cho con”. Bác đi rồi, tôi mới phát hiện ra trong những món quà bác để lại cho tôi có tờ giấy cam đoan của bác với hãng hàng không về việc bác phải chịu trách nhiệm về sức khỏe của mình khi lên máy bay. Đó là kỉ niệm mà tôi không bao giờ quên được. Nhớ về bác, tôi cứ nhớ mãi mái tóc bạc và cây gậy ba toong.

Lần tiếp, tôi có một độc giả khác đó là một em gái vừa mới sinh con được 6 tháng, người gầy gò, xanh xao, nhưng khi biết tôi đang ở Hội An thì em đã gửi con để đi xe máy từ Tam Kì giữa trưa nắng đến để gặp tôi vì tôi chỉ còn 2 tiếng là phải di chuyển. Em gặp tôi, liền chạy đến ôm tôi, em nói: “Từ khi em đọc cuốn “Không gục ngã”, em quyết tâm gặp chị và đây là khoảng cách ngắn nhất em có thể gặp được chị”. Lúc đó em đã xách theo một giò lan và nó đang bắt đầu he hé hoa để tặng cho tôi. Hai chị em tôi đã ăn cùng nhau một bát mì quảng ở vỉa hè của Hội An và trò chuyện. Tôi mang giò lan về và nó nở hoa rất đẹp. Giờ em sinh thêm một bé nữa rồi mà thường xuyên liên lạc với tôi, xưng tên là các con em và gọi “Bác Lan”…

Rồi tôi còn nhận được những tin nhắn rất đặc biệt. “Em vừa mới ra tù” đó là một câu chào đặc biệt của một độc giả. “Em tìm và nhắn tin cho chị trên mạng xã hội vì khi em ở trong tù thì có người mang vào cho em cuốn “Không gục ngã”. Em chỉ muốn nhắn cho chị là giờ em đã ra tù và em gửi lời chào chị”. Tôi không quen biết độc giả đó ở ngoài đời, nhưng tin nhắn đó để lại trong tôi rất nhiều suy nghĩ và hi vọng rằng em đã bắt đầu đi một con đường khác giống như tôi đã đi một con đường khác khi bác sĩ thông báo căn bệnh của tôi chưa có thuốc chữa…

Bích Lan được biết đến như người gieo hạt giống tâm hồn đến với nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn biết vươn lên trong cuộc sống.
Bích Lan được biết đến như người gieo hạt giống tâm hồn đến với nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn biết vươn lên trong cuộc sống.

Bích Lan đã bao giờ nhận những phản hồi không tốt về những tác phẩm dịch của mình chưa và thái độ của chị thế nào?

Đối với các tác phẩm dịch, tôi luôn chú ý cẩn thận từng chút nhưng cũng không tránh được còn những sơ xuất. Trong tất cả những tác phẩm của tôi, tôi đều nhận được những “hạt sạn” mà độc giả phát hiện và gửi lại. Khi đó cảm giác đầu tiên của tôi là “xấu hổ”, sau đó bản thân mình tự ngồi và xem lại để khắc phục khi tái bản, và đặc biệt rút ra bài học khi dịch cuốn sách mới.

Tôi không sợ những lời góp ý hay những phản hồi không tốt về sách của mình. Ngay cả khi đó là sự ném đá, nếu nó liên quan đến chất lượng bản dịch, thì nghĩ đi nghĩ lại tôi thấy nó tốt cho tôi hơn là không.

Trong việc dịch sách, điều chị thấy khó khăn nhất là gì?

Khi dịch sách tôi luôn tưởng tượng mình đang ngồi giữa hai đối tượng: Một bên là tác giả, một bên là đại diện thông thái nhất của độc giả nước mình. Nhiệm vụ của tôi là phải làm hài lòng cả hai người này. Nhiều khi tôi rơi vào hoàn cảnh, trung thành với tác giả thì có thể bị độc giả nước mình( những người không tiếp cận nguyên tác) cho là “không thạo tiếng Việt” hoặc “dịch thô” hoặc “dốt”, mà làm bùi tai độc giả của mình thì phần nào tôi lại phản bội tác giả. Chính những lúc ấy tôi phải đấu tranh với mình nhiều nhất để đi đến một quyết định. Ngoài ra, việc dịch, nhất là dịch văn học, là nắm bắt hàng nghìn ý nghĩ của một người khác, giống như “đi” vào tâm trí người ta vậy và diễn đạt những gì mình hiểu bằng ngôn ngữ của mình nhưng phải bảo tồn được cả văn phong, lượng cảm xúc, sắc thái của ngôn từ, v v. Chưa bao giờ việc đó lại đơn giản đối với bất kỳ ai, kể cả một thiên tài.

Cảm xúc của chị ra sao khi biết mình được vinh danh ở Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2018?

Với những người cầm bút, đặc biệt là người dịch sách, phần thưởng cao quý nhất nằm ở phía bạn đọc. Trong những năm vừa rồi do sự lao đông miệt mài và có phần may mắn nữa, tôi được bạn đọc đón nhận những cuốn sách của tôi và đó là phần thưởng cao quý nhất rồi. Tôi được sống với niềm đam mê của mình, cảm nhận mình đang sống cuộc đời có ý nghĩa, những cuốn sách được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt nên tôi đang từng ngày, từng ngày được nhận phần thưởng rất cao quý đó. Hạnh phúc của tôi không nằm ở bục vinh danh vì khoảnh khắc ấy so với cả đời người ngắn ngủi lắm. Tuy nhiên với giải thưởng Nhân tài Đất Việt, tôi đánh giá cao vì ở đó tôn vinh những con người lao động thực sự. Đó là những con người đã cố gắng lao động bất chấp những khó khăn của hoàn cảnh, không phải để dành giải thưởng mà để xây dựng giá trị sống của bản thân, và đóng góp một phần nhỏ bé cho xã hội này. Tôi thấy mình tự hào khi được nhận giải thưởng ở mục “Khuyến học – Tự học thành tài” bởi nó khích lệ việc tự học hỏi là rất cần thiết cho xã hội ngày nay. Vì sự tự học là con đường khả dĩ nhất, có chi phí thấp nhất cho mọi người để có thể cải thiện nhiều thứ ở đất nước mình, khiến Việt Nam không lùi quá xa so với những nước phát triển. Giải thưởng Nhân tài Đất Việt góp phần nhấn mạnh một thực tế hiển nhiên rằng sự tự học sẽ tạo ra những con người đặc biệt, độc đáo, biết sống chủ động trong mọi hoàn cảnh chứ không phải là những con rô bốt.

Dịch giả, nhà văn Bích Lan bên gia tài khổng lồ của mình là những cuốn sách.
Dịch giả, nhà văn Bích Lan bên gia tài khổng lồ của mình là những cuốn sách.

Với những kết quả mà bản thân đã đạt được, chị có lời khuyên nào đối với mọi người, đặc biệt là trong việc tự mày mò học, nghiên cứu?

Mỗi người có một hoàn cảnh riêng và việc tìm ra cách riêng để sống một cuộc sống có ý nghĩa là việc mà mỗi người phải tự đảm nhận vì hạnh phúc của bản thân, của gia đình. Khi ta đổ lỗi cho hoàn cảnh, hoặc dựa quá nhiều vào các yếu tố bên ngoài, ta đã vô tình để tuột mất cơ hội rèn luyện ý chí, phát huy khả năng tiềm ẩn để phát triển thành một con người độc đáo, có giá trị. Tự học là sự nắm bắt cơ hội một cách chủ động, trong mọi hoàn cảnh. Bỏ lỡ cơ hội đó là một điều thực sự đáng tiếc!

Nguyễn Bích Lan sinh năm 1976, tại Hưng Hà, Thái Bình. Chị bị mắc bệnh nan y loạn dưỡng cơ và phải nghỉ học khi kết thúc lớp 8. Qúa trình giáo dục của chị từ đó hoàn toàn là tự học. Chị đã tự học tiếng Anh và tất cả những gì có thể để trở thành một dịch giả chuyên nghiệp. Tính cho đến nay chị đã dịch được 33 cuốn sách, chủ yếu là sách văn học, trong đó có những tác phẩm của các tác giả đoạt giải Nobel. Chị cũng là tác giả của 4 cuốn sách sáng tác, trong đó có tự truyện “Không gục ngã” được nhiều độc giả tìm đọc. Chị là một trong tám phụ nữ được vinh danh trong phần trưng bày về phụ nữ đương đại tại Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam.

Những giải thưởng mà chị đã đạt được:

– Giải thường của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 cho tác phẩm dịch “Triệu phú khu ổ chuột”

– Giải đặc biệt cuộc thi sáng tác về “Người khuyết tật và việc làm” do Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động & Xã hội Cộng hòa liên bang Đức tổ chức.

– Giải thưởng Lê Quý Đôn (giải Nhì) cho văn xuôi Học bổng của Jean Jackques Rosseau của Quỹ thúc đẩy nghệ thuật Akademie Scholos Solitude của Cộng Hòa Liên bang Đức (2013).

– Một trong 8 người phụ nữ đương đại được vinh danh của Bảo tàng phụ nữ…

Phạm Oanh – Báo Dân trí